15) MỘT BÀI HỌC BÌNH ĐẲNG
Tôi có một anh bạn nhà quê rất thân thiết tên gọi
Gustin, người khoẻ hơn tôi và nhớn hơn tôi đến ba bốn tuổi.
Dù nhớn hơn, khỏe hơn, Gustin vẫn cứ phải theo ý muốn
tôi, hình như hắn ta đẻ ra để mà nghe nhời tôi sai vậy. Ấy
cái nết hay sai người làm đổi cả bản tính tôi đi. Lắm lúc tôi
sai để lấy cái thú bắt phải phục tòng đó thôi.
Mẹ tôi mới định sửa cái tính áp chế khốn nạn ấy của tôi
đi.
Mẹ tôi bèn gọi cả đôi đến, rồi dạy cho Gustin một bài
phải tự-trọng hơn một chút và tôi phải có bụng công bằng
mới được. Hết mắng tôi về cái thói cứ muốn làm thầy suốt
đời người ta, mẹ tôi lại bảo rằng : Gustin sinh không phải để
phục tòng cái tính oái oăm của tôi đâu, hắn là bằng vai tôi,
là bạn tôi, chứ không phải là đầy tớ tôi và mẹ tôi bảo từ giờ
mà đi, phải sửa tính nết lại.
Cái thằng mán ấy lại hiểu quá ư là hiểu, hôm sau, khi
chúng tôi đi chơi trong rừng về, nó thấy người mỏi mệt, bèn
chụt ngay guốc ra và sai tôi xách luôn.
Tôi khi đó mới lên bốn, phải nghe nó ngay. Tôi cứ đi thế
về đến nhà, trước mặt mẹ tôi, tay xách lệnh khệnh đôi guốc
(mà guốc có nhẹ đâu), còn thằng Gustin thấy tôi phải mang
nặng, thở không được, lấy làm đắc chí lắm, mà nó lại chính
là đứa trẻ thuần hậu nhất làng đấy. Như vậy, cái bài học lần
đầu về lẽ bình đẳng này, chỉ tổ làm chủ xuống đầy tớ, tớ lên
chủ thôi.