Logic của sự sống nghịch lí như thế đó. Có thể nhận ra ngay hành vi đối
với sở hữu của Arlequin - anh hề. Sở hữu cá nhân không có ý nghĩa gì với
chàng ta. Arlequin nghèo. Ở Ấn Độ người ta gọi là sannyaszin. Chàng ta
chui vào trong một cái bao rách, tài sản chỉ là một cái bát ăn. Bởi vậy chàng
ta không có gì để sợ hãi và số phận tha hồ xô đẩy, chàng ta chỉ cười. Không
thể lấy cắp cái gì từ chàng ta, bởi không thể lấy cắp đi chính bản thân chàng.
Không thể lấy sự sống của chàng ta, và cũng không cướp được.
Arlequin - anh hề hoàn toàn bình thản, bởi chẳng có gì để mất. Thánh
Ferenc đã kết duyên cùng sự nghèo khổ. Sở hữu cá nhân là sự điên rồ cao
nhất thế gian tìm ra. Những anh hề Nhật Bản hoặc Trung Quốc bẩn thỉu và
rách rưới, như Diogenes và Touchstone. Chưa bao giờ có một Arlequin - anh
hề giàu có và quyền lực, và cũng sẽ không bao giờ có, bởi kẻ giàu có và
quyền lực luôn luôn run rẩy.
Không có kẻ điên nào ngộ nghĩnh hơn một anh chàng run lẩy bẩy bị lấy
mất một miếng kim loại rút trong túi ra bèn gào lên ăn vạ đòi gọi cảnh sát.
Tất cả đều sống trong vòng sở hữu, không phải trong vòng của con số không
như con bài Tarot chỉ ra.
Ta chỉ là quyền lực khi ta chẳng là gì hết. Một cái gì đó nghịch lí là sự
sống. Tri thức của anh hề và sự nghèo khó của linh hồn là thiên đường.
Những kẻ ăn mày rách rưới bẩn thỉu, những anh hề vô tư và vui vẻ, phi nhu
cầu sở hữu.
Socrates - anh hề Arlequin dạo chơi trong thành Athen và nhìn thấy rất
nhiều vải vóc, đồ trang sức trong một tiệm bèn nói: Ở đây có bao nhiêu thứ
ta không cần.
Bi kịch của Job là không thể trở thành Arlequin - anh hề, khi đánh mất tất
cả và vừa huýt sáo vừa ra đi.
Arlequin - anh hề không phải là thiên tài. Không phải bên cạnh thiên tài
của quyền lực, của tri thức và của nghệ thuật là thiên tài của sự sống. Phần
lớn bên cạnh các thiên tài của nghệ thuật là thiên tài của sự tồn tại. Phần lớn
anh hề không biết thiên tài là cái gì, giống như Don Juan d'Austria, chỉ ngây
người và không hiểu tại sao lại hài hước với từ ngữ.