Ông tham gia hoạt động trong Hội Triết học và Mĩ học.
Từ 1945-1948 Hamvas Béla cùng Szabó Lajos và Tábor Béla thành lập
một nhóm trí thức cấp tiến, được gọi là "Những buổi trao đổi thứ năm hằng
tuần", với mục đích phanh phui, phân tích và đánh giá toàn bộ các tình
huống về tinh thần của thời đại, với sự tham gia của nhiều nhà văn có tên
tuổi khác như Várkonyi Nándor, Weöres Sándor.
Nhưng đến năm 1948, trong những văn bản tranh luận, một nhà triết học
Hungary khác, lúc bấy giờ nghiêng về triết học maxit- Lukács György đã
góp phần đình chỉ việc ấn hành cuốn sách Cách mạng trong nghệ thuật của
Hamvas Béla viết chung với vợ Kemény Katalin.
Bắt đầu từ đây Hamvas Béla bị tước tất cả các quyền biên tập, viết và xuất
bản tác phẩm. Cũng năm 1948 ông bị buộc phải thôi việc và tên ông bị liệt
vào danh sách B - những người bị chính quyền theo dõi gắt gao.
Hamvas Béla buộc phải xin một giấy chứng nhận làm nghề nông, với nơi
làm việc là vườn cây của anh rể, từ 1948-1951 ông làm vườn, trồng hoa quả,
và cuốn tiểu thuyết được coi là kiệt tác vĩ đại có một không hai của văn học
Hungary cũng như văn học thế giới Karnevál ra đời trong thời kì này.
Ngoài ra ông còn viết những tác phẩm nổi tiếng khác như Unicornis,
Silencium, Biên bản bí mật, Magia sutra.
Từ năm 1951-1964 ông làm việc tại khu công nghiệp xây dựng - nhà máy
nhiệt điện ở Inot, Tiszapalkony, Bokon, tại đây ông làm thủ kho.
Bên cạnh công việc thủ kho này, ông học tiếng Heber, Sanscrit, dịch Kinh
Veda, Sankhya Karik, Sepher Jezirsh, Kathaka Upanisad, Buddha... Trong
thời gian này Hamvas Béla hoàn thành các tác phẩm: Patmosz, Đại sảnh các
vị tiền bối cổ, Szarepta và Đêm giao thừa.
Năm 1964 ông về hưu. Trong ba năm cuối đời Hamvas Béla hoàn thành
nốt các tác phẩm khác trong đó có Scientia Sacra tập II nổi tiếng.
Ông viết chủ yếu là tiểu luận, một thể loại tự do, như một thí nghiệm thể
loại. Mọi sáng tác của ông, kể cả tiểu thuyết đều ở dạng tiểu luận.
Ngày 07.10.1968 ông mất sau một cơn chảy máu não.