Trong ống nghe ào ào và lạch tạch hoài, có tiếng trả lời:
- Giữ chứ!
Tiếng máy nói lại vọng tới:
- Đây là con Beo 3, đây là con Beo 3. Theo tôi!
Quân thù đã gần. Ngay phía dưới họ, trong lối hành quân hai hàng dọc
mà bọn Đức ưa dùng nhất, những máy bay oanh tạc chiến đấu kiểu đâm
chúi xuống, máy một động cơ kiểu J-87, đang bay qua. Những máy này,
bánh xe để đáp xuống không rụt vào được. Lúc bay, những bánh xe này vẫn
cứ lửng lơ treo dưới đuôi. Bánh xe có những vỏ bọc kiểu khí thế động lực,
thành ra trông giống như những cái chân đi giày vải, cho nên ở các mặt trận
đều gọi loại phi cơ này là bọn “đi giày vải”. Với chiến thuật oanh tạc kiểu
đâm chúi xuống, loại phi cơ này đã nổi tiếng tướng cướp ở Ba lan, Pháp,
Hòa lan, Đan mạch, Bỉ và Nam tư. Đó là một cái mới mà lúc chiến tranh
mới bùng nổ, báo chí khắp thế giới đã nói tới, kể lể những câu chuyện kinh
khủng. Nhưng cái mới này đã trở nên cũ một cách thật mau lẹ trên những
khoảng không rộng lớn của Liên Xô. Trong nhiều cuộc chiến đấu, các phi
công Liên Xô đã thấy được nhược điểm của bọn “đi giày vải”, và các phi
công lỗi lạc của Liên Xô đã bắt đầu coi bọn “đi giày vải” như một loại thú
săn tồi, hạng gà lôi hay thỏ rừng chi đó thôi, không cần đến những thợ săn
có biệt tài.
Đại úy Sétlốp không đem phi đội của mình trực chỉ tấn công địch, mà lại
bắt lượn một vòng lớn. Mêrétxép hiểu ngay ý của đại úy, muốn lựa thế của
ánh mặt trời làm cho đối phương bị chói nắng lòa không nhìn thấy mình,
tiếp tục ẩn, tiến đến sát gần, rồi khi đó mới tấn công bất ngờ. Alếchxây
mỉm cười. Phải bay lượn rắc rối như thế, thật là đề cao bọn “đi giày vải”
quá thôi. Nhưng thôi, cẩn thận quá thì cũng chả hại gì. Anh ngoái cổ trông
lại lần nữa: Pêtơrốp vẫn theo, máy bay anh ta hiện rõ trên nền một đám
mây trắng.
Bây giờ oanh tạc cơ của địch đang bay bên mặt. Bọn Đức tiến thẳng tắp
và bay đều nhau như có những sợi dây vô hình nối liền chúng với nhau.
Cánh máy bay của chúng sáng loáng trong ánh mặt trời chói lại.