Bạn phải buộc mình nhìn vào vấn đề để tìm ra ý tưởng, để tìm ra giải pháp
theo cách mà Hal Silverman buộc tôi phải nhìn chằm chằm vào chiếc ghế
của ông ta.
Hãy tư duy tương quan. Hãy tư duy định hướng. Chơi trò “Vậy nếu?” Tìm
những điểm tương đồng. Tìm những vật có thể hòa trộn. Hãy tự hỏi mình
đang tạo ra những giả thiết nào, tuân theo những quy luật nào. Hãy tự hỏi
một đứa trẻ lên sáu sẽ xử lý vấn đề ra sao. Hãy lấy hết can đảm và tấn công
thẳng vào vấn đề.
Nếu bạn cần thêm động lực để tìm ý tưởng, hãy làm giống như họa sĩ cuốn
sách này thi thoảng vẫn làm. Anh ta vờ như ý tưởng mình đang tìm kiếm có
tờ một trăm đô-la trong đó. “Nếu bạn thực sự muốn tìm ra những gì bạn
đang kiếm, bạn sẽ tìm thấy,” anh ta nói. “Lúc nào bạn chẳng muốn tìm thấy
tờ một trăm đô-la.”
Nhưng ở một chừng mực nào đó, bạn nên thôi tìm kiếm, và không nên nghĩ
về vấn đề đó nữa.
Ồ, tôi biết cái nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ đó thường đem lại những
kết quả đáng kinh ngạc.
Andrew Wiles làm việc bảy năm liên tục để chứng minh Định lý cuối của
Pierre de Fermat ‒ một thử thách mà hàng nghìn nhà toán học trong nhiều
thế kỷ đã lảng tránh.
Richard Gatling mất bốn năm trời mới chế tạo thành công súng máy.
Nikola Tesla, người đã phát minh ra dòng điện xoay chiều (và nhiều thứ
khác) đều đặn làm việc một mạch từ mười giờ sáng hôm trước đến năm giờ
sáng hôm sau bảy ngày trong một tuần.