Isaac Asimov cũng vậy. “Khi tôi thấy khó khăn cận kề,” ông viết, “tôi
chuyển qua viết tiếp một cuốn sách dang dở khác. Khi tôi quay lại với vấn
đề của mình, tiềm thức của tôi đã xử lý xong rồi.”
Nhưng xin nhắc lại: Bạn cần tiếp tục làm việc. Chọn cho mình một công
việc nào đó và tiến hành.
Đừng nghĩ rằng bạn cần phải để đầu óc mình nghỉ ngơi. Bạn không cần làm
vậy. Bộ não không phải là dạng cơ bắp có thể cảm nhận được sự mệt mỏi.
Bên cạnh đó, tiềm thức của bạn không bận tâm đến vấn đề đang cần được
giải quyết có thể làm thay đổi thế giới hay chỉ là câu chuyện trinh thám rẻ
tiền. Vấn đề vẫn được giải quyết một cách công phu như vậy.
Đó là một trong những nguyên do vì sao những người bận rộn làm được rất
nhiều việc mà vẫn có thể đảm đương công việc mới. Họ biết cách hướng sự
tập trung và nỗ lực vào những công việc có ý nghĩa hơn.
Và họ cũng biết cách để công việc của mình được “xử lý âm thầm”.
Và đây là một sự thật hiển nhiên:
Anh càng làm nhiều thì càng xong nhiều;
Anh càng làm ít thì càng xong ít.
Bạn biết điều này là đúng. Vào một kỳ nghỉ cuối tuần, bạn lên danh sách
những việc cần làm trong nhà và thế là bất chợt bạn bận bịu với vô số việc,
rồi bạn nhận ra mình có rất nhiều việc cần làm và thế là bạn xử lý xong hết.
Vào một cuối tuần khác, bạn ngồi không một chỗ, nhìn đời trôi qua và
chẳng làm được tích sự gì.
Công việc tạo ra sản phẩm. Nỗ lực tạo ra thành quả.
Và ý tưởng tạo ra ý tưởng.