Ngày nay, các nhà tâm lý học giải thích rằng JB gây ra tai nạn một cách vô
thức, và đó là cách cậu ta làm để thu hút sự chú ý.
Ngày đó người ta cứ cho là cậu ta có “duyên với tai nạn” vậy thôi.
Khi lớn lên, tôi thường chơi với những người có “duyên sáng tạo”. Ý tưởng
cứ đến với họ như cách tai nạn tìm đến JB ngày xưa. Rồi các nhà tâm lý học
chắc cũng nói hệt như khi họ nhận xét về trường hợp của JB, rằng họ sáng
tạo ra ý tưởng một cách vô thức, rồi thì đó là cách để họ tạo được sự quan
tâm, chú ý.
Có lẽ vậy. Nhưng tôi nghĩ ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác tác động.
James Webb Young trích lời Vlfredo Pareto, người cho là trên đời có hai
nhóm người: Người đầu cơ và người thụ hưởng.
Pareto cho rằng nhóm người đầu cơ luôn bận rộn với những khả năng kết
hợp mới. Nhóm người này, theo cách Young gọi, bao gồm “tất cả những
người ở bất kỳ lĩnh vực nào mà… không thể ngồi một mình quá lâu và luôn
tính toán làm sao để thay đổi điều đó.”
Mặt khác, nhóm thụ hưởng bao gồm những người “lề thói, cẩn thận, thiếu
trí tưởng tượng, cầu toàn và nhóm này bị nhóm đầu cơ lôi kéo.”
Young đồng tình với Pareto về sự hiện diện của hai nhóm người này và từ
đó kết luận rằng “có nhiều người mà không kỹ năng nào có thể giúp họ
sáng tạo ý tưởng được.”
Tôi không tán thành với kết luận đó.
Tôi không nghĩ những người có duyên sáng tạo mà tôi giao du lại có tài
năng thiên bẩm để sáng tạo ý tưởng, hay có cách suy nghĩ độc nhất dẫn họ
tới những chân trời mới, hoặc có nội nhãn xuyên thấu giúp họ nhìn ra trật tự
và các mối liên quan, trong khi những người khác chỉ thấy một mớ hỗn độn.