Tiếp đó, Schellenberg và Heydrich ngồi rất lâu trong phòng chiếu
phim nho nhỏ để xem các bức ảnh hết sức lý thú, chụp những cảnh giải trí
giữa các bà vợ của bạn mình với các nhà ngoại giao nước ngoài.
Việc tuyển mộ điệp viên diễn ra theo hai hướng: các nhà ngoại giao bị
vạch mặt bắt đầu hoạt động tình báo dưới sự chỉ huy của Schellenberg, còn
các bà vợ của giới lãnh đạo Nhà nước, đảng Quốc xã và quân đội, các bà vợ
đầy tội lỗi kia, thì chuyển sang hồ sơ của Müller, giám đốc Gestapo.
Cũng phải nói thêm rằng Müller không được tham gia công tác ở
phòng khách Kitty: vẻ nông dân quê mùa và những câu bông phèng thô tục
của y có thể làm khách khứa hoảng sợ. Lần đầu tiên, từ đó, Müller cảm
thấy mình bị lệ thuộc vào thằng nhóc hai mươi ba tuổi Schellenberg.
– Cậu ta tưởng tôi sẽ vuốt ve cặp đùi của các cô ả trăng gió ở phòng
khách của cậu ta đấy mà, – Müller nói với tên giúp việc của mình. – Vinh
dự chưa! Có thuê tiền tôi ngủ với ả nào đó, tôi cũng chả thèm. Ở quê tôi,
người ta gọi những mụ đàn bà như thế là lũ giun chuồng phân, nghĩa là đồ
dòi bọ.
Rồi khi phu nhân Heydrich, trong lúc vắng chồng có gọi điện tới nhà
Schellenberg phàn nàn, kêu buồn, và Schellenberg đề nghị dẫn phu nhân đi
chơi tại một vùng hồ đâu đó ở ngoại ô, thì Müller lập tức biết chuyện.
Müller quyết định rằng đây chính là lúc vặn cổ cái thằng nhóc điển trai kia.
Müller không quan niệm như một số “ông già” ở sở Gestapo. Những người
này cho Schellenberg là nhân vật tầm thường: một gã điển trai, hay mượn
các loại sách bằng tiếng Latin và tiếng Tây Ban Nha ở thư viện, ăn diện
như một cậu công tử bột, công khai làm những chuyện trăng gió, chuyên
môn cuốc bộ tới đại lộ Hoàng tử Albrecht chứ không dùng xe – như thế sao
gọi là một tình báo viên quan trọng được. Lúc nào cũng thấy uống rượu và
cười nói ba hoa... Nhưng cái đầu óc nông dân, tuy suy tính chậm chạp, song
phản ứng rất nhanh với cái mới, của Müller lại nhắc y rằng Schellenberg là
kẻ có triển vọng nhất của thế hệ mới. Kẻ được nuông chiều sẽ kéo theo
nhiều đứa khác giống như nó.