CHƯƠNG 11
SARTRE: TỰ DO TRIỆT ĐỂ
Jean-Paul Sartre (1905 − 1980) là một triết gia trong cả hai nghĩa:
một nhà tư tưởng và một trí thức dấn thân trong xã hội. Là một nhà tư
tưởng, ông đã có một sự nghiệp học tập và nghiên cứu xán lạn. Vào độ
tuổi ba mươi ông đã có những tác phẩm đặc sắc và độc đáo, và sau khi
xuất bản tác phẩm Tồn tại và Hư vô (L’Être et le Néant, 1943), ông
được công khai nhìn nhận là một triết gia dẫn đầu trong nước Pháp.
Nhưng đồng thời Sartre cũng là một trí thức của quảng đại công
chúng, ông diễn tả tư tưởng của mình qua tiểu thuyết, kịch nghệ, tiểu
sử và áp dụng chúng vào những vấn đề lớn trong xã hội và chính trị
của thời đại, đưa ra những lập trường cấp tiến mang tính tranh luận đối
với nền tri thức quy ước đương thời.
Xin để tôi trước tiên trình bày Sartre trong văn cảnh sự phát triển tư
tưởng của Chủ nghĩa Hiện sinh, [mà ông là một trong những người
chủ trương, đề xướng, thực hiện quan trọng nhất]. Có ba quan tâm
chính làm nòng cốt cho Chủ nghĩa Hiện sinh. Quan tâm thứ nhất liên
quan đến con người cá thể: Những người theo thuyết hiện sinh nghĩ
rằng, những lý thuyết đại quan về Bản tính con người thường loại bỏ
ra ngoài chính điều quan trọng nhất – tính độc nhất của mỗi cá thể và
hoàn cảnh sinh sống của đương sự. Thứ hai, quan tâm đến ý nghĩa hay
chủ đích của cuộc sống con người hơn là những mệnh đề khoa học
hay siêu hình, cả khi những mệnh đề này nói đến Bản tính con người.
Thứ ba, tầm quan trọng mãnh liệt về sự tự do, về khả năng lựa chọn
của mỗi cá nhân, không phải những hành động riêng lẻ, nhưng những