giáo nay đã bị lộ tẩy), thì chúng ta phải suy tư lại toàn thể nền tảng của
cuộc sống chúng ta và tìm ra ý nghĩa và chủ đích trong những phạm
trù của con người mà thôi. Về điều này thì ông có nhiều điểm tương
đồng với người đồng hương của ông trước đây là Ludwig Feuerbach
(1804 − 1872). Điều khác biệt tiêu biểu nhất của Nietzsche là điều ông
nhấn mạnh về sự tự do triệt để của chúng ta có thể thay đổi cơ sở
những giá trị của chúng ta. Cũng giống như các nhà tư tưởng hiện sinh
khác, có một sự căng thẳng giữa một khuynh hướng “tương đối” nói
rằng không có một cơ sở khách quan nào cho việc lựa chọn hay đánh
giá cách sống này hơn cách sống kia, và sự tiến cử một hình thức sống
được xác định. Trong trường hợp của Nietzsche, khuynh hướng thứ
hai được diễn tả trong thị kiến của ông về “Siêu nhân” (“Superman”),
kẻ phủ nhận những giá trị dựa trên những nền tảng của quy ước, ngoan
ngoãn, tôn giáo và thay thế chúng bằng “ý chí quyền lực” (“will to
power”; câu nói đã nhận được những nội hàm hung hãn và quái gở
trong lịch sử Đức quốc xã sau này).
Trong thế kỷ XX cũng vậy, Chủ nghĩa Hiện sinh gồm những nhà tư
tưởng hữu thần cũng như vô thần. Có những nhà thần học hiện sinh
như Gabriel Marcel (1889 − 1973) người Pháp, Rudolf Bultmann
(1884 − 1976) người Đức, Martin Buber (1878 − 1965) người Do
Thái. Triết học hiện sinh được phát triển chính yếu ở lục địa châu Âu.
Mặc dầu chịu ảnh hưởng từ các nhà tư tưởng phi hệ thống như
Kierkegaard và Nietzsche, chủ nghĩa hiện sinh dưới ảnh hưởng của
Heidegger và Sartre đã trở nên một triết học mang tính hàn lâm, hệ
thống và đầy những tiếng lóng, những biệt ngữ (jargon). Một nguồn tư
tưởng khác đưa đến chủ nghĩa hiện sinh là “Hiện tượng học”: trào lưu
triết học này được Edmund Husserl (1859 − 1938) khởi xướng, ông hy
vọng tìm ra một phương pháp mới cho việc làm triết học, đó là sự mô
tả các “hiện tượng” như chúng biểu lộ ra cho ý thức của con người. Sự
quan tâm này đối với cảm nghiệm của con người hơn là chân lý khoa
học là đặc điểm tiêu biểu của các triết gia hiện sinh (nhưng một hình