thức khác ít bi đát hơn là triết học “ngôn ngữ thường ngày” (“ordinary
language”) trong thế giới Anh ngữ phát xuất với tư tưởng hậu thời của
Ludwig Wittgenstein (1889 − 1951).
Triết gia độc đáo và ảnh hưởng lớn nhất của các triết gia hiện sinh
thế kỷ XX là Martin Heidegger (1889 − 1976), với tác phẩm Tồn tại
và Thời gian (Sein und Zeit/Being and Time) xuất bản năm 1927.
Ngôn ngữ của Heidegger kỳ lạ và khó hiểu: trong toan tính đặt câu hỏi
về những khái niệm cơ bản của triết học phương Tây kể từ Platon
(428 − 348 TCN), ông đã sáng chế ra nhiều từ mới trong Đức ngữ để
diễn tả những thức nhận đặc thù của ông. Mặc dầu ông thường suy tư
siêu hình học trừu tượng (như Aristoteles, 384 − 322 TCN), nhưng
ông lại cho thấy một quan tâm hiện sinh cơ bản về ý nghĩa của hiện
hữu con người, tương quan của ta đối với “Tồn tại” (“Being”); và ông
nhấn mạnh khả năng của một cuộc sống “xác thực” (“authentic”) bằng
cách giáp mặt đương đầu với hoàn cảnh hiện thực của mỗi người trong
thế giới, nhất là đối với cái chết không thể tránh khỏi của chính mình.
“Tồn tại” (“Being”) trong các tác phẩm của Heidegger nghe như tên
gọi duy nhân thay thế cho danh từ Thượng đế − thực tại tối hậu mà ta
có thể ý thức được, nếu ta chú tâm trên con đường phải đi. Trong triết
học hậu kỳ của ông, có một nét nhấn về những nghiệm sinh hầu như
nhiệm cảm có thể được diễn tả bằng thơ văn và âm nhạc, nhưng không
thể trình bày bằng những công thức khoa học hay những khẳng định
triết lý rõ rệt.
SARTRE: CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM
Triết học của Sartre nợ nần với Heidegger, nhưng hành văn của ông
(ít nữa là một phần) thì dễ tiếp cận hơn. Ông đã mau chóng tiếp thu tư
tưởng của bộ ba H Đức ngữ: Hegel, Husserl và Heidegger. Nhiều tối
nghĩa trong hành văn của Sartre có thể phát xuất từ ảnh hưởng của các
vị “hậu cần” cung cấp những trừu tượng đầy trọng lượng này. Những
chủ đề từ Hiện tượng học của Husserl được thấy nổi bật trong những
tác phẩm đầu tiên của Sartre: tiểu thuyết triết học đặc sắc Buồn nôn