(La Nausée, 1938) và những công trình về triết học tinh thần Tưởng
tượng (Imagination, 1936) và Sơ đồ của một lý thuyết về xúc động
(Esquisse d’une théorie des émotions, 1940). Tác phẩm trung tâm của
triết học thời đầu của ông là Tồn tại và Hư vô (L’Être et le Néant,
1943) dài dòng và khó hiểu, chịu ảnh hưởng nặng nề của tác phẩm
Tồn tại và Thời gian (Sein und Zeit, 1927) của Heidegger, nhưng được
viết với hơi văn tiếng Pháp của chính Sartre.
Vào đầu Chiến tranh thế giới thứ Hai, Sartre phục vụ như một nhân
viên khí tượng trong quân ngũ Pháp và sớm bị bắt làm tù binh (ông
dùng thời gian này để đọc Heidegger!). Sau khi được tự do, ông là
cảm tình viên của Kháng chiến Pháp chống Lực lượng chiếm đóng
Đức quốc xã, nhưng dành trọn thời gian để viết tác phẩm Tồn tại và
Hư vô. Có chút bầu khí của thời gian này có thể phát hiện ra trong
khái niệm bi quan về thân phận con người được trình bày trong tác
phẩm. Lựa chọn mà mỗi công dân Pháp phải đối diện như hợp tác,
kháng cự nguy hiểm hay an thân bảo mệnh, đó là một thí dụ điển hình
mà Sartre nhìn ra như là một điều tất yếu luôn hiện diện cho sự lựa
chọn của từng con người cá thể. Những chủ đề tương tự cũng được
diễn tả trong tiểu thuyết bộ ba Những con đường của tự do (Les
chemins de la liberté, 1945 − 1949) và những vở kịch Cửa đóng (Huis
clos) và Đàn Ruồi (Les Mouches). Sau giải phóng, Sartre trình bày
một tổng kết sáng tỏ về Chủ nghĩa hiện sinh vô thần trong bài diễn
thuyết Chủ nghĩa hiện sinh là một Chủ nghĩa nhân bản
(Existentialisme est un Humanisme, 1945) trước một cử tọa đông nghịt
và đầy hưởng ứng – nhưng bài diễn văn này tương đối ngắn và mang
tính phổ thông [tuy vẫn rất hấp dẫn], chứ không phải một công trình
triết học với chiều sâu tư tưởng của ông.
Sartre từ bỏ sự nghiệp hàn lâm mở ra trước mặt cho ông và trở nên
một nhà văn tự do và một trí thức dẫn đầu tại Pháp đến hết trọn cả đời
mình. Với thời gian, Sartre bắt đầu chỉnh sửa cách tiếp cận quá cá
nhân chủ nghĩa trong việc biên soạn trước đây và dấn thân chú trọng