thái độ, dự phóng, chủ đích, giá trị, lối sống. Và quan tâm đặc thù hiện
sinh không phải là khẳng định, nhưng thuyết phục kẻ khác hành động
như thế, thực hành sự tự do của mình.
Những chủ đề này có thể tìm thấy trong rất nhiều văn cảnh rộng
lớn, cũng như trong rất nhiều những mô tả một cách cụ thể và chi tiết
về tính tình và hoàn cảnh sinh sống trong các tiểu sử hay các truyện hư
cấu. Nhưng để được gọi là một triết gia hiện sinh thì còn cần một số
phân tích khái quát về thân phân con người, điều này được biểu hiện
rõ nét trong hai khuynh hướng và trình thuật Hiện sinh: khuynh hướng
hữu thần và khuynh hướng vô thần.
Nhà tư tưởng Kitô giáo Đan Mạch Soren Kierkegaard (1813 −
1855) thường được nhìn nhận như là triết gia hiện sinh hiện đại đầu
tiên, dẫu biết rằng đã từng có một chiều hướng hiện sinh trong mọi tôn
giáo – cách riêng như với Paulus, Augustinus, Luther, Pascal trong
truyền thống Kitô giáo. Giống như Karl Marx, người đương thời của
ông, Kierkegaard phản ứng đối nghịch với triết học của Hegel, nhưng
với một chiều hướng rất khác biệt. Ông phủ nhận hệ thống trừu tượng
của Hegel, so sánh nó như một tòa nhà rộng lớn nhưng trong đó người
chủ nhà hiện thời lại không có mặt. Thay vào đó, Kierkegaard tập
trung vào điều mà ông nghĩ là vô cùng quan trọng, đó là con người cá
thể và những lựa chọn sinh sống của đương sự. Ông phân biệt ba thái
độ cơ bản của sự sống: tính thẩm mỹ (aesthetic: theo nghĩa sự tìm
kiếm điều vui thích), tính đạo đức (dấn thân trong hôn nhân, gia đình,
nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội), và tính tôn giáo (đánh giá mọi sự
trên quan điểm vĩnh hằng, siêu việt, linh thánh). Ông quan niệm, tính
tôn giáo (cách đặc biệt, Kitô giáo) là hình thức “cao nhất”, mặc dầu nó
đạt được chỉ bởi một “bước nhảy tự nguyện, phi lý luận vào vòng tay
của Thượng đế”.
Một nhà hiện sinh lớn khác của thế kỷ XIX là một chiến sĩ vô thần.
Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844 − 1900) lý luận rằng,
bởi “Thượng đế đã chết” (nghĩa là những ảo tưởng của đức tin tôn