thê của mình, Freud cần có một việc làm ổn định hơn chỉ là những
nghiên cứu và thí nghiệm, bởi vậy ông đã phải miễn cưỡng làm việc
như một bác sĩ tại Bệnh viện Trung Tâm Thành Phố Wien. Nhưng
năm 1886, ông mở một phòng mạch tư chữa trị “các bệnh thần kinh”
(tức các bệnh tâm thần) và ông đã làm việc ở đó cho đến hết đời.
Sự nghiệp tinh thần của Freud có thể chia thành ba giai đoạn
chính.
(1) Trong giai đoạn khởi đầu, Freud đưa ra một số giả thuyết độc
đáo về bản tính của các vấn đề loạn thần kinh, và bắt đầu khai triển
phương pháp chữa trị đặc biệt của mình được biết dưới tên gọi “Phân
tâm” (Psychoanalyse, Psychoanalysis). Quan tâm của ông trong tâm
lý học về con người đã được hào sảng chắp cánh bởi một chuyến đi
thăm Paris vào năm 1885 − 1886, nghiên cứu với Jean-Martin
Charcot, bác sĩ người Pháp chuyên khoa thần kinh, người đã trình bày
một cách đầy ấn tượng ảnh hưởng của ám thị tâm thần và phương
pháp thôi miên đối với những triệu chứng thể lý và thái độ cư xử, và
sử dụng những phương pháp như thế để chữa trị các vấn đề “thần
kinh”.
Số đông các bệnh nhân lúc đầu của Freud là các phụ nữ trung lưu ở
Wien bị bệnh gọi là “thần kinh cuồng loạn” (Hysterie, hysteria). Tiêu
biểu là họ bị liệt bại một cách khó hiểu, mất tiếng nói, hoặc mất cảm
giác ở những phần thân thể không liên quan đến thần kinh, nhưng đến
những nơi bình thường như bàn tay hay cánh tay. Theo nguyên tự, từ
“thần kinh cuồng loạn” (hysteria) đến từ những triệu chứng xáo trộn ở
vùng bụng, vùng tử cung, ngày nay từ ấy có nghĩa một tâm trạng cảm
xúc cao độ, nhưng vào thời của Freud từ ấy liên chiếu đến những hội
chứng (syndromes) bối rối mà y học chính thống không có cách nào
chữa trị. Hình như sự phổ biến chứng “thần kinh cuồng loạn” đối với
các phụ nữ thành Wien vào cuối thế kỷ XIX có cái gì đó liên quan với
tình trạng giới tính của họ bị dồn nén và với hoàn cảnh xã hội bị hạn
chế của họ.