khung cảnh, một vị trí đích thực mà họ phải suy nghĩ về sự giao thoa giữa
con người và sự mầu nhiệm của Tạo hóa.
Sự mầu nhiệm của Tạo hóa chẳng những làm đổi thay từng giá trị mà còn
làm cho vạn vật chuyển mới luôn luôn, con người không thoát khỏi sự “hóa
kiếp” từ từ và tàn nhẫn đó. Mới hôm nào, anh em quây quần cười cợt coi
đời bằng “nửa khóe mắt”, tự vỗ ngực “tương lai là của chúng ta” mà nay
nhìn lại, mái tóc đã bạc phơ, vóc dáng xô lệch đường năm tháng, ngó nhau
với những tia mắt não nề để cười lên tiếng cười ngắt đoạn. Lần lượt rồi lần
lượt tiếp nối kẻ trước người sau mãi mãi. Do đó, những câu nói đầu môi
bao giờ cũng là: ngày trước… chúng mình…
Phải rồi, ngày trước, những ngày xa xưa của tuổi trẻ khi chợt bắt gặp qua-
người-khác, làm cho gợn lên trong lòng một thoáng buồn, cái buồn tuy
không đau nhưng man mác như mặt đại dương một sáng êm trời có những
đợt sóng mơn man bờ cát. Nhưng cuộc sống đâu có giản dị như vậy, nó
hiện diện với những ước lệ bắt con người phải chấp nhận từng nỗi vui
buồn, nỗi vui buồn đó, nghệ sĩ không giữ lại làm của riêng tư mà phải đem
trình bày để hình thành nghệ thuật.
Nghệ thuật chẳng là gì cả nếu nó không chứng minh được sự huyên náo
trong lãnh vực chuyên môn để vượt thoát luật đào thải của tiến hóa. Bởi
vậy, nói đến nghệ thuật là nói đến cái gì vĩnh viễn xuyên qua mọi ý thức,
mọi không gian và thời gian.
Kẻ viết tự vỗ về bằng ảo giác cho no đầy hy vọng.
Mùa Xuân năm Canh Tuất
(Tháng 2-1970)
Nguồn: Tạ Tỵ. Mười khuôn mặt văn nghệ. Nam Chi xuất bản lần thứ nhất,
tác giả trình bày hoạt hoạ. Ngoài những bản thường có thêm 5 bản đặc biệt
trên giấy Ngân Nhũ mang chữ T.T., L.N.. – P.T.Đ., C.T., và V.T.H., 100 bản
trên giấy Bạch Ngọc mang số từ T.T. 001 tới T.T. 100, dành cho bạn hữu. In