Mặc dù các chứng cứ đều rất hợp lí, nhưng trong quá trình thẩm vấn, đội
trưởng đội bảo an vẫn vô cùng ngông cuồng, ngoan cố đến cùng, nhất quyết
không khai nguồn gốc số tiền đó. Cảnh sát địa phương quyết định dùng
biện pháp mạnh. Sau một hồi tra khảo, tên đội trưởng đội bảo an ôm mặt
khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Khi đứng một mình tại hiện trường vụ mất cắp, cả cửa phòng tài vụ và cửa
két sắt đều đã bị bật mở. Đội trưởng đội bảo an phát hiện trong két sắt vẫn
còn sót lại một cục tiền đô. Lòng tham nổi lên, và cho rằng số tiền này rồi
cũng sẽ được đổ lên đầu kẻ trộm, nên đã “tiện tay” nhón vào túi mình.
Cảnh sát cho rằng đội trưởng đội bảo an đang nói dối. Nếu là kẻ trộm, chắc
chắn không thể nào để lại một số tiền đô ngon lành như thế. Chỉ có một khả
năng, do mâu thuẫn với Cá Nhảy, đội trưởng đội bảo an giết nạn nhân, chặt
xác phi tang, rồi dựng lên vụ trộm cắp để ngụy tạo chứng cứ hòng thoát tội.
Cảnh sát tra khảo mạnh tay hơn nữa. Đội trưởng đội bảo an nhừ đòn, nằm
thoi thóp, nhưng vẫn ngoan cố, chỉ khai nhận nguyên như lúc đầu.
Vụ án kéo dài mãi chưa được giải quyết, Chủ tịch thành phố mấy lần đích
thân đến hỏi thăm tình hình.
Mỗi cuộc họp phân tích vụ án ông đều có mặt và phát biểu ý kiến. Cả Chủ
tịch thành phố và công an địa phương đều tin rằng vụ này là do đội trưởng
đội bảo an gây ra. Mấy hôm sau, đội trưởng đội bảo an đã khai nhận toàn
bộ quá trình gây án và tẩu tán thi thể.
Tổ chuyên án cảm thấy vụ việc này có gì đó không thỏa đáng. Các điểm
nghi vấn vẫn còn rất nhiều, phần thân và đầu của nạn nhân vẫn chưa được
tìm thấy, rõ ràng đội trưởng đội bảo an đang sợ đòn mà nhận tội.