thành lập một lực lượng hải quân hùng mạnh để kiểm soát mọi hải lộ
trên Địa Trung Hải. Các nhà buôn người Ý đã mang đến cho người
Âu những hàng hóa mới lạ, giá trị cao như tơ lụa, hương liệu và kim
loại quý, tạo ra một cơn khát sản phẩm và sản vật của các vương
quốc Á châu. Theo tài liệu lịch sử, các chuyến tàu chở hàng hóa từ
Trung Đông vào Âu châu là nguyên nhân gây ra đại dịch dịch hạch
(Black Death) đã giết hơn một phần ba dân số châu Âu. Lịch sử ghi
rõ bệnh dịch bắt đầu từ Trung Hoa, truyền qua Trung Đông rồi lan
vào châu Âu qua những chiến lợi phẩm thu góp được và chở trên
các chuyến tàu từ Trung Đông vào châu Âu.
Khi xưa, Con đường tơ lụa là trục lộ giao thông chính dẫn qua châu
Á. Cung đường này nằm trong vòng kiểm soát của người Hồi nên
người Âu bắt đầu tìm kiếm một con đường mới. Từ đó, các quốc gia
châu Âu bắt đầu cạnh tranh giành quyền kiểm soát thương mại qua
châu Á. Dần dần, mục tiêu của họ biến thành cuộc mạo hiểm khám
phá các nơi xa với những tài nguyên mới lạ. Hoàng tử Henry của Bồ
Đào Nha dẫn đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Phi châu đã tìm ra
một hải lộ mới qua Á châu và mở đầu cho kỷ nguyên thực dân mà
người châu Âu đã ngụy trang dưới danh nghĩa đi khai sáng các dân
tộc bán khai, man rợ.
Chủ nghĩa thực dân là chính sách kiểm soát những khu vực đã bị
chinh phục, gọi là thuộc địa, với mục đích thống trị kinh tế, xã hội
thông qua quá trình áp đặt tôn giáo, ngôn ngữ và các tập quán văn
hóa của người Âu cho người dân các thuộc địa. Mục tiêu chính là
tìm cách thu lợi từ sức lao động của người dân cũng như tài nguyên
ở thuộc địa, đem về làm giàu cho quốc gia của họ.
Các nhà sử học đưa ra ba động cơ chính của người châu Âu khi tiến
hành thuộc địa hóa các quốc gia châu Á và châu Mỹ là Chúa, vàng
và vinh quang (God, gold, glory). Các cuộc Thập tự chinh khi trước
đã lợi dụng tôn giáo để biện minh cho cuộc chiến với các xứ Hồi giáo
thì nay tôn giáo lại được áp dụng vào chính sách thuộc địa hóa này.
Lòng hận thù từ các cuộc Thập tự chinh đã đưa đến sự "bất khoan
dung tôn giáo" với những dân tộc không đồng tôn giáo. Về sau, các