Farnum kết luận:
- Theo tôi, mọi sự thay đổi đều phải xảy ra từ bên trong thì mới có
thể tạo ảnh hưởng đến bên ngoài. Sự chuyển hóa chỉ xảy ra từ
những trải nghiệm và hành động với những gì chúng ta tin tưởng.
Đó là lý do tôi không muốn làm những việc lớn lao, nhưng cũng sẵn
sàng hỗ trợ cho những việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Vì vậy tôi
mới mời anh đến quán ăn này để giới thiệu với anh tôn chỉ hoạt
động của nơi này, đó là: "Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử
tế rồi họ sẽ lan tỏa điều này đi khắp nơi". Biết đâu những việc nhỏ lại
có thể đánh thức tiềm năng tốt đẹp của mọi người, đem lại sự
chuyển hóa cho tương lai…
Sau buổi gặp gỡ với Farnum tại Karma Kitchen, tôi trở về New York
và không ngừng suy nghĩ về buổi trò chuyện của chúng tôi. Tôi bàn
với Angie rằng đã đến lúc tôi phải dành nhiều thời giờ hơn để làm
những việc có ý nghĩa này. Sau khi bàn luận kỹ lưỡng, cả hai vợ
chồng tôi quyết định giao việc điều hành công ty cho những cộng sự
mà chúng tôi tin tưởng để chú tâm vào việc sử dụng ngân quỹ hỗ trợ
cho các chương trình có thể mang lại những đổi thay tốt đẹp hơn.
Chúng tôi cũng nhất trí đem toàn bộ tài sản của mình sáp nhập vào
ngân quỹ của Farnum để hỗ trợ cho những dự án tương lai.
Theo đề nghị của Farnum, tôi đã yêu cầu Andrew tìm hiểu và nghiên
cứu thêm về dự án Karma Kitchen hay những hoạt động tương tự.
Không lâu sau, Andrew mang đến cho tôi một hồ sơ về chủ nghĩa
trao tặng (Giftivism) mà anh thu thập được. Anh nói:
- Theo nghiên cứu của tôi, Karma Kitchen là một chuỗi nhà hàng
hoạt động độc lập, thành lập từ năm 2007, hiện đã có mặt tại 23
quốc gia, với con số hơn nửa triệu người đến ăn mỗi năm để trải
nghiệm về lòng tử tế. Nền kinh tế quà tặng hiện đã lan rộng khắp
nơi. Chi tiết và các dữ kiện về quá trình vận hành của những nhà
hàng này đều được ghi nhận trong bản báo cáo này.