đã xuất phát từ thực tế nước Tần, đặt ra những kế sách làm cho nước giàu
dân mạnh, đã chiếm được ưu thế, đã được sự ủng hộ và giúp đỡ của Hiếu
Công. Tức thì Hiếu Công đã bổ nhiệm Thương Ưởng làm Tả Thứ trưởng
(tước quan của nước Tần tổng cộng có hai mươi bậc, từ trên xuống dưới,
Tả Thứ trưởng là bậc quan thứ mười một), để chế định ra mệnh lệnh hiến
pháp.
Năm thứ 13 Chu Hiển Vương (năm 356 trước Công nguyên), Hiếu Công
ra lệnh thay đổi luật pháp. Pháp luật mới (Tân pháp) thực hiện được một
năm, thế lực của quý tộc cũ vẫn tẩy chay cuộc vận động biến pháp. Năm
thứ 19 Chu Hiển Vương (năm 350 trước Công nguyên), Tần đô từ đất Ung
(nay là Phượng Tường Thiểm Tây) rời tới Hàm Dương. Hiếu Công lại hạ
lệnh ban bố pháp lệnh cải cách lần thứ hai, “Phế bỏ tỉnh điền [40] bắt đầu
chế độ ruộng có bờ”, cho phép được mua bán ruộng đất, thừa nhận đất đai
tư hữu, thực hành chế độ huyện, nhà vua cử huyện lệnh tới quản lý, quan
lại thực hành chế độ bổng lộc, thống nhất chế độ cân đo, thay phong đổi
tục, cấm chỉ cha con nam nữ ở chung, làm trong sạch phong hóa. Trong quá
trình thực thi tân pháp đã trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ phá hoại
tân pháp, còn di chuyển một số quý tộc cũ chống đối việc biến pháp tới
những nơi xa xôi hẻo lánh.
GIẾT MỘT RĂN TRĂM,
PHÁP BẤT VỊ THÂN
Tân pháp lập tức được ban bố, Tần Hiếu Công ủng hộ và giúp đỡ
Thương Ưởng, dùng biện pháp “chuyển gỗ thưởng vàng” để lấy uy tín với
dân. Thế nhưng trong thế lực chống đối Tân pháp, con trai Tần Hiếu Công
đã dẫn đầu phạm pháp. Thương Ưởng nói:
- Luật pháp không được thi hành là do ở họ hàng quý tộc.
Rồi khuyên Hiếu Công:
- Nhà vua nếu thực sự muốn thực hành biến pháp, thì cần phải trước hết
bắt đầu từ Thái tử.