Thôi, để tránh dài dòng văn tự và làm mệt các em, anh nói ngay thế
này nhé: họ thay đổi tên mình. Ví dụ, An-béc-tô không muốn gọi mình là
An-béc-tô mà là An-bác-ta, Ê-rát-mô thành Ê-rết-mê. Những người khác
chỉ trả lời khi người ta gọi là I-xi-đri, Ốc-lôn-đô và Úc-bu-nu.
Câu chuyện dần dần trở nên rắc rối. Họ hát trệch đi cái bài hát họ
thường đồng ca vào buổi sáng tinh mơ trên đường ra đồng, có thể các em
đã nghe nói đến cái bài hát này rồi. Bởi vì bài hát này rất phổ biến trong
dân gian. Nó ngắn lắm:
Con kiến mà leo cành đa,
Leo phải cành cụt leo ra leo vào,
Con kiến mà leo cành đào,
Leo phải cành cụt leo vào leo ra.
Các em có biết năm anh em A Ê I Ô U đã hát trệch cái bài bát này như
thế nào không? Thế này nhé, khi An-béc-tô hát thì cậu ta đã hát như sau:
Can kaán mà laa cành đa,
Laa phảa cành cạt laa ra laa vàa,
Còn I-xi-đrô đã hát:
Kin kiín mì lii kình đi
Lii phỉii kình kịt lii ri lii vì
Cứ thế các em có thể mường tượng được Ốc-lan-đô, Úc-ba-nô và Ê-
rát-mô sẽ hát như thế nào rồi, phải không nào? Vậy bây giờ hãy để anh tiếp
tục câu chuyện nhé! Cứ thế họ diễn mãi cái trò nói trệch đầy hứng thú và đã
đi quá trớn. Họ chỉ nói các từ với một nguyên âm duy nhất khiến mọi người
không tài nào hiểu được. Ngay cả khi chào hỏi cũng vậy. Họ quấy lắm. Lẽ
ra phải chào: “Chào bác ạ” thì có người chào:
- Chàa bác ạ
Kẻ thì:
- Chồô bốc ộ!
Một ngày nọ, anh bạn Ra-un tốt bụng phải phát bẳn lên với họ:
- Đủ lắm rồi, các bạn ạ! Các bạn hãy nói: “Chào bác ạ” như tất cả mọi
người chào hỏi nhau đi!