44. Sóc thiên vương
Về thời vua Đại Hành nhà Lê, quan Khuông Việt Thái sư là Ngô Cảnh Chân thường hay chơi ở làng Bình Lỗ, ưa phong cảnh chỗ ấy vui
đẹp, mới làm một cái am để ở. Một đêm đến canh ba, mơ thấy một ông thần mặc áo vàng giát sắt, tay tả cầm một ngọn thương vàng, tay
hữu cầm một hòn ngọc, có vài mươi người lính hầu, mặt mũi hung tợn, trông như quỉ sứ.
Ông thần ấy bảo với Thái sư rằng:
- Ta là Côn Sa môn thiên vương đây, đầy tớ ta là thần Dạ Xoa cả đấy. Thượng đế sai ta sang xứ Bắc, coi giữ nhân dân. Người có duyên
với ta, cho nên ta lại đây nói chuyện với ngươi.
Thái sư giật mình đứng dậy, nghe trong núi có tiếng quát tháo ầm ầm, trong bụng lấy làm sợ hãi. Hôm sau vào núi xem, thì thấy một cây
cổ thụ, cành lá rườm rà, và có đám mây đẹp phủ lên trên ngọn cây. Thái sư sai thợ đẵn cây ấy, đem về tạc tượng như hình dáng trong
mộng, rồi lập đền ở trên núi để thờ.
Trong năm Thiên Phúc thứ nhất (980), có quân nhà Tống vào cướp nước. Vua Đại Hành sai Thái sư cầu khẩn ở đền thần Côn Sa môn.
Bấy giờ quân nhà Tống đóng ở làng Tây Kết, chưa kịp đánh nhau với quân nhà Lê. Quân Tống bỗng thấy một người ở dưới sông Bạch
Đằng nhảy lên đứng trên mặt nước, cao hơn 10 trượng, xõa tóc trừng mắt, quân Tống khiếp sợ tan chạy, phải lui về giữ trên thượng lưu.
Lại gặp cơn phong ba to, thuyền bè chìm đắm mất nhiều, vua Đại Hành thừa thế đốc quân lên đánh, bắt được Chuyển vận sứ là Nhân
Bảo, vì thế quân Tống phải tan.
Vua thấy thần Côn Sa môn anh linh làm vậy, sai sửa sang thêm đền đài cho đẹp, rồi phong làm Sóc thiên vương, để trấn phương bắc.
Đền ấy ở núi Vạn Linh, huyện Kim Hoa tỉnh Bắc Ninh.
Đến thời nhà Lý, lại lập đền thờ ở mé đông hồ Tây, phong làm phúc thần, để trấn phương bắc, và để có việc kì đảo cho tiện (tức là đền
ở làng Nhật Tảo bây giờ).