33. Phạm Tử Nghi
Tử Nghi người làng Vĩnh Niệm, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, sức khỏe như thần.
Tử Nghi thường đắp một con đường dài ở trên mặt đê, đôi đầu đắp ụ cao 5 thước rồi vác gậy chạy trên mặt đê, cứ đến chỗ ụ cao thì
đánh một cái, ụ lại sạt xuống như đất phẳng.
Khi sau đến kinh thành Thăng Long, trông thấy hàng trăm người lính đang kéo thuyền rồng ở trên mặt đất xuống sông, mà kéo không
nổi.
Tử Nghi cười nói rằng:
- Khéo những đồ bị thịt kia! Có một cái thuyền như thế, xúm xít vào kéo mà không nổi, thì làm trò gì được?
Chúng tức giận, kẻ nghiến răng, người trợn mắt, toan xúm vào đánh, thì Tử Nghi lại nói rằng:
- Vậy thì các anh để đấy, chỉ một mình ta kéo cho mà xem.
Chúng thấy nói vậy, bỏ đi ra, bắt Tử Nghi phải kéo thuyền, nếu kéo không xong thì sẽ hay. Tử Nghi vén tay áo, dung hết sức bình
nhật, chỉ một tay lôi tuột chiếc thuyền rồng xuống sông. Chúng ai nấy lắc đầu le lưỡi, chịu ông ta là có sức khỏe gấp nghìn người.
Bấy giờ nhà Mạc mới lên, nghe có người hùng dũng làm vậy cử làm đại tướng, cho lên trấn thủ mặt Thượng du. Tử Nghi ở trấn vài năm,
dẹp tan đám giặc cỏ, có tiếng lừng lẫy đến cả Bắc triều. Về sau nhân dẹp giặc, phá lây đến các tỉnh ven Tàu; Tàu đưa hịch sang trách đến
triều đình nước Nam. Tử Nghi đến dinh quan Tổng đốc Quảng Đông, xin chịu tội để cho yên tâm vua nước mình.
Người Tàu đem Tử Nghi ra hành tội, rồi bỏ đầu lâu và thây vào một cái hòm, che một cái lọng, thả xuống sông cho trôi về nước Nam.
Trôi tự Nam Quan về mãi đến giang phận làng Vĩnh Niệm thì đứng lại không trôi nữa, rồi đêm báo mộng cho dân làng ấy phải ra vớt về mai
tang, và phải lập đền phụng tự.
Dân làng sáng mai ra vớt, lập miếu thờ ngay bên cạnh sông, từ ấy linh ứng lắm. Về sau, hiển linh bảo các làng ở ven sông, cho nên tự
Nam Quan về mãi đến Hải Dương, Sơn Nam, nội chỗ nào có bến, là cũng phải lập miếu thờ cả. Lịch triều phong làm Linh ứng đại vương
thần.