35. Võ Tính
Võ Tính tổ tiên thuở trước là người Phúc An, thuộc tỉnh Biên Hòa, sau dời đến Bình Dương.
Tính là người khảng khái, trí dũng hơn người, nhà giầu, không chịu thuần phục Tây Sơn; mới xin với mẹ bỏ ra chiêu dụ hào kiệt, khởi
nghĩa binh ở Phù Viên (thuộc Gia Định); rồi kéo đến Định Tường chiếm giữ Khổng tước nguyên (thuộc Tân Hòa), tụ đồ đảng đến hàng
vạn người, hoặc là đạo quân Kiến Hòa, tự xưng làm Tổng nhung, hễ quân giặc đi qua đất ấy, thì đánh giết sạch. Quân giặc thường bảo
với nhau rằng: “Gia Định tam hùng,
Võ Tính là một, chớ có phạm vào mà chết.”
Năm Mậu Thân, Tính đem cả bộ thuộc đến bái yết đức Thế Tổ ở dưới hành tại.
Đức Thế Tổ cả mừng, cho Tính làm tiên phong
doanh khâm sai Tổng nhung chưởng cơ; rồi lại gả em là Trưởng công chúa Ngọc Du (con gái đức Hưng Tổ, em đức Thế Tổ) cho.
Khi ấy tướng Tây Sơn là Thái bảo Phạm Văn Tham giữ thành Sài Gòn, Tính đem quân vây đánh. Tham cùng quẫn xin hàng, dẹp yên
được vùng Gia Định.
Năm Quí Sửu, Tính được thăng làm Khâm sai chưởng Hậu quân doanh Bình sơn tham thặng tướng quân, theo đức Thế Tổ ra đánh thu
phục được Phú An.
Năm Giáp Dần, Tính phụng mệnh trấn thủ thành Diên Khánh (bây giờ là Khánh Hòa). Trần Quang Diệu (tướng Tây Sơn) đem hết cả
quân vào vây. Tính kiên thành cố thủ, khi ấy trong thành thiếu lương, quân sĩ rất kham khổ, Tính lấy lời trung nghĩa khích khuyến, tướng
sĩ đều cố sức đánh, giặc không thể nào phá được. Mùa hạ, năm Ất Mão, đức Thế Tổ đại cử quân thủy, bộ ra cứu viện. Tính nghe tin có
viện binh đến, bèn thân đốc tướng sĩ đương đêm mở cửa thành ra đánh, quân giặc tan chạy. Đức Thế Tổ úy lạo khen Tính rằng: “Tên
Diệu là kình địch, mà ngươi hay giữ được thành này, có gặp gió to mới biết được cỏ cứng thật!” Bèn phong cho Tính tước quận công.
Tính tuổi trẻ, mà lại là bậc thân quí, lập được nhiều công chiến trận, vậy nên có ý kiêu căng. Tiền quân Tôn Thất Hội thường chê Tính
là người thiển hiệp, và bảo rằng: “Cậy mình quí mà không xét đến kẻ sĩ, là lỗi quan Phiểu Kỵ họ Hoắc,
nay ngươi có bớt kiêu đi, thì mới
giữ trọn được tiếng hay.” Tính nghe lời cảm tạ, từ đấy nén bớt kiêu khí, đều được lòng tướng sĩ.
Năm Kỷ Mùi, Tính hộ giá đức Thế Tổ ra thân chinh, hạ được thành Qui Nhơn. Đức Thế Tổ vào thành úy lạo, đổi tên là thành Bình
Định, lưu Tính cùng Lễ bộ Ngô Tùng Chu ở lại trấn thủ.
Mùa đông năm ấy, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng lại đem hai đạo quân vào vây Bình Định, Tính nghe tin biết thế giặc đương mạnh,
chửa có thể đánh được, bèn thu quân giữ thành. Đức Thế Tổ nghe tin báo, đại cử thủy, bộ chư quân ra cứu viện.
Tính kiên thành cố thủ, tùy phương chống chế, quân lịnh nghiêm minh, khích lệ tướng sĩ đều liều chết mà đánh, lớn nhỏ cả thảy hơn
vài mươi trận, không thua trận nào.
Hoặc có kẻ khuyên Tính vượt vòng vây mà lẻn ra. Tính không nghe, bảo rằng: “Ta phụng mệnh giữ thành này, thì ta nên thề cùng với