thành cùng sống thác. Nếu bỏ thành mà lẩn trốn lấy một mình, thì còn mặt mũi nào mà trông thấy chúa thượng nữa?”
Khi ấy quan quân đến cứu viện đã non hai năm trời, đánh mãi không tài nào giải vây được. Đức Thế Tổ sai người lặn nước từ cửa bể
lẻn vào, bảo Tính bỏ thành mà ra hội với quan quân. Tính nhất định xin cố thủ, sai người cầm tờ mật biểu ra tâu rằng: “Nay quân giặc tụ
vây cả ở thành này, thì ngoài Phú Xuân hẳn không hư, xin đem quân thừa hư ra đánh lấy Phú Xuân, chẳng khác gì đổi ngói lấy vàng; dẫu
chết một mạng tôi, mà đổi lấy được Phú Xuân, cũng phải.”
Đức Thế Tổ được tờ mật biểu, ngài mới quyết ý đem quân do đường thủy kéo ra. Đêm hôm ấy đốt lửa ở núi Độc Sơn làm hiệu, Tính
thấy hỏa hiệu, lại mở cửa thành ra đánh, giết được vài tên tướng giặc.
Khi ấy trong thành hết cả lương thực, quân sĩ phải giết voi, ngựa mà ăn, mà cũng không ai có lòng phản bội gì cả. Tính sợ rằng hãm
thành, thì tướng sĩ chết bại nhiều, bèn đưa thư ra bảo Diệu rằng: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn như các
tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại.” Lại bảo các tướng rằng: “Ta uống thuốc độc, nhảy vào lửa, đàng nào cũng chết. Nhưng ta
không muốn cho giặc trông thấy mặt, ta đành chết vào lửa mà thôi.” Mới sai quân lấy củi khô chất đầy dưới lầu Bát Giác, và để thuốc
súng vào giữa.
Một hôm buổi sớm, Hiệp trấn Ngô Tùng Chu sang hỏi Tính xem định kế gì? Tính trỏ lầu Bát Giác mà rằng: “Kế tôi đành chịu thác ở đó
mà thôi!” Lại bảo Tùng Chu rằng: “Tôi là võ tướng, không lẽ cùng sống với giặc được; ông là văn quan, giặc nó không nỡ giết nào, nên
liệu mà tự toàn lấy mình.”
Tùng Chu cười mà rằng: “Dù văn, dù võ, ai cũng có một lòng trung ái cả, chớ có phân biệt chi? Tướng quân hay liều mình với nước, tôi
lại không hay tận trung với vua hay sao?” Nói rồi lui về dinh, uống thuốc độc mà chết.
Tính than rằng: “Ông này lại hơn ta một chước!” Liền thân đến liệm táng cho Chu Tùng tử tế. Cách hai hôm sau, Tính mặc triều phục
lên lầu hội các tướng bảo rằng: “Ta nhờ có các tướng đồng tâm mới giữ được thành mà chống nhau với giặc. Nhưng nay lương cạn, lực
cùng, giữ cũng không được nữa, thôi thì ta liều mình chịu thác, chớ không làm khổ tướng sĩ mãi nữa.” Các tướng nghe nói, ai cũng
thương xót, đứng chung quanh lầu mà khóc. Tính khoa tay bảo các tướng lui ra, rồi sai Phó tướng Nguyễn Văn Biện châm lửa. Biện cũng
khóc mà chạy, Tính bấy giờ đang hút thuốc lá, lấy tàn ném xuống đống thuốc súng, lửa tức thì bốc lên mà thác. Thống binh Nguyễn Tấn
Huyên ở ngoài chạy vào, cũng nhảy vào lửa mà chết theo, hôm ấy là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu.
Diệu đem quân vào thành, trông thấy cũng rỏ nước mắt, sai làm lễ niệm táng tử tế. Còn các tướng sĩ trong thành, không giết hại người
nào cả. Nhưng bọn tướng sĩ sau đều lẻn về, không có một người nào chịu ở theo giặc.
Đức Thế Tổ nghe tin Võ Tính, Ngô Tùng Chu tử tiết, thương khóc than rằng: “Toàn tiết như thế, dẫu Trương Tuấn, Hứa Viễn ngày xưa,
cũng không hơn được.”
Gia Long nguyên niên, sai lập đền thờ ở nền cũ lầu Bát Giác, truy tặng Tính làm Dực vận công thần Thái úy Quốc công; Chu làm Tán