36. Nguyễn Văn Thành
Nguyễn Văn Thành trạng mạo khôi ngô, tính thâm trầm, cương nghị. Chăm đọc sách, giỏi võ nghệ. Tổ tiên trước ở Thừa Thiên; cha là
Hiền dời vào ở Gia Định.
Đời vua Duệ Tôn triều Nguyễn. Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc khởi binh cướp Bình Thuận. Hiền mộ quân hương dũng theo đi đánh giặc,
khi ấy Thành cũng ứng mộ theo cha, đóng quân ở Cầu Giang. Tống Phúc Hợp sai Hiền đem vài nghìn quân đi tải lương, Thành cũng theo
đi. Lúc đang đi nửa đường, quân lính già nửa mắc đội thóc, không kịp phòng bị, thì có quân giặc đổ ra chẹn ngang đường. Hiền thấy
quân giặc kéo ập đến, liền vẫy Thành lui tránh đi. Thành lẻn ra đàng sau trận, sai những quân đội thóc, giơ sào lên làm giáo, treo áo lên
làm cờ, vòng ra đàng trên Sa Đỗng, vừa đánh trống vừa reo mà kéo lên. Giặc ngỡ là có viện binh kéo đến, phải tháo lui dần. Quan quân
thừa cơ lại đánh được toàn thắng. Phúc Hợp khen Thành còn trẻ mà có trí khôn, thưởng cho 10 lạng bạc, và một cặp áo sa.
Đến sau, Hiền bị tử trận. Đức Duệ Tôn cho Thành làm cai đội, Thành đi chiêu tập được hơn 800 quân tráng dũng, theo Đỗ Thanh Nhân
thu phục được Sài Gòn.
Năm Ất Tị, Thành theo đức Thế Tổ sang Xiêm ở thành Vọng Các, lại giúp Xiêm đánh phá được Miến Điện, khi ấy vua Xiêm muốn giúp
binh, Đức Thế Tổ họp các tướng lại bàn. Thành tâu: “Quân Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp nữa; nếu nhờ binh lực của họ mà
được thành sự, rồi thì tất có lo về sau. Không gì bằng hãy tĩnh để đợi thời.”
Năm Đinh Mùi, Thành phụng mệnh đi đón Hà Hỷ Văn, bị bạt phong giạt vào Hà Tiên, tuyệt lương, Thành giả làm thuyền giặc đi tuần,
vào cửa bể cướp lương. Khi về đến nơi hành tại ở Cù lao Cổ Cốt, đức Thế Tổ biết truyện cướp lương, quở trách Thành, truyền tống giam,
sau cho tùng chinh. Khi quan quân thất lợi trận đánh ở Mỹ Tho, có kẻ xui Thành trốn về làng mà ở. Thành bảo rằng: “Vua, tôi nghĩa cả,
dù sống, chết cũng phải giữ lấy; còn như sự thành, bại là tại trời, ta liệu trước sao được. Vả lại nhân phải khiển trách mà đi, nhân lúc bại
trận mà trốn, đó là kẻ tiểu nhân phản phúc, ta không thèm làm.” Bàn cùng với lũ Hỷ Văn 17 người, vượt bể đi theo đức Thế Tổ. Một hôm
gặp bão to, gẫy cả cột buồm, bạt phong giạt vào cửa Bản Phố. Thành chạy vào trong làng, mượn được thuyền, nhờ được lương, lại vượt
bể vào Long Xuyên, sau nghe tin đức Thế Tổ đóng ở Ba Lai, bèn theo đến nơi xin đi chiêu tập quân nghĩa dũng để đánh giặc.
Năm Quí Sửu, đức Thế Tổ ra thân chinh Qui Nhơn, cho Thành làm Khâm sai Bình sơn Tiền tướng quân đem bộ binh đi trước, đến đâu
giặc đều tan vỡ cả. Khi ấy nghe tin Thái úy giặc là Nguyễn Văn Hưng đem quân tự Phú Xuân vào cứu viện Qui Nhơn, Thành bèn đem
quân đến Thạch Tân án ngữ, năm trận đánh, quân giặc đều phải lui cả. Thành lại do đường bộ kéo đến họp với thủy quân ở cửa Thi Nại,
rồi phụng mệnh rút quân đến đóng ở Phú An. Bấy giờ ai cũng sợ rằng quân giặc đuổi theo, Thành nói rằng: “Trong Qui Nhơn, ngoài
Thuận Hóa, dẫu là thân thích, mà thực là cừu thù, chẳng qua mượn tiếng vào cứu viện, mà kỳ thực là định nuốt nhau. Nhạc còn tự cứu
không xong nữa là đi đuổi theo người.”
Sau Nhạc quả nhiên phải lũ Hưng bức tử, lời Thành nói không sai.