Năm Đinh Tị, Thành phụng mệnh trấn thủ Diên Khánh, khi ấy có bọn giặc khách tàu ô thường làm trở ngạnh ngoài bể, Thành dụng
mẹo bắt được, đường bể mới yên.
Năm Kỷ Mùi, Võ Tính trấn thủ Qui Nhơn, bị quân giặc vây, Thành phụng mệnh điều khiển các đạo bộ binh ra cứu viện, phá tan các
đồn giặc. Quân giặc phải lui giữ Chủ Sơn, Thành đánh mãi không vỡ, sau Thành dò được con đường tây, nam, có thể đánh tập hậu được,
bèn vẽ hình thế dâng biểu xin thêm quân.
Đức Thế Tổ sai Tống Viết Phúc, Lê Văn Duyệt đem thêm quân đến Thị Dã, đều theo tiết chế Thành. Thành bèn lưu Duyệt đóng quân
án ngữ ở Thị Dã, mà Thành thì đem quân qua núi Bột Khê, hơn hai trăm dặm đường, cứ rấn cơn mưa mà đi, vòng qua Đăng Trại đến sau
lưng đồn giặc phóng hỏa đốt trại. Mặt trước Lê Văn Duyệt thừa thắng đánh ập vào. Quân giặc tan chạy.
Trận này, Thành và Duyệt cùng làm đại tướng, cưỡi voi cầm cờ, trỏ bảo các tướng. Thành tính hay rượu, lúc sắp vào trận, cầm hồ rót
uống, lại rót một chén đưa cho Duyệt, bảo rằng: “Uống chén này lại càng hăng hái thêm lên.” Duyệt cười mà rằng: “Có nhát, thì mới phải
mượn rượu, chớ như trong con mắt tôi chẳng cho quân giặc vào đâu, cần gì phải mượn rượu.” Thành có ý thẹn, bởi thế căm giận Duyệt.
Khi ấy, Thế Tổ sắp khởi trận hỏa công ở cửa bể Thi Nại, bèn mật báo Thành đem bộ binh đêm đánh trận giặc, để cho quân giặc mải
chống giữ, thì mặt thủy quân đánh xông vào. Võ Văn Dũng phải bỏ thủy đồn mà chạy.
Khi Thế Tổ đem thủy quân ra đánh Phú Xuân, lưu Thành đóng quân ở Vân Sơn, để chống nhau với giặc. Lại sai đem ấn sắc đến nơi
quân thứ phong cho Thành tước Quận công.
Thành cùng Duyệt hội quân hai mặt đánh thành Bình Định. Diệu, Dũng hết lương ăn, đương đêm bỏ thành lẻn qua đường rừng trốn
chạy. Thành chiêu hàng dư đảng được 3.000 người, phụng mệnh ở lại trấn thủ.
Thành học sách vở thông thái, am hiểu chính thể, trong hàng chư tướng, đức Thế Tổ trọng thành hơn cả; không cứ việc lớn, việc nhỏ,
thường hỏi đến Thành để quyết định.
Tháng bảy năm Nhâm Tuất đức Thế Tổ định xong Bắc Thành, triệu Thành cho làm Tổng trấn, cả thảy 11 trấn đều thuộc về cả.
Năm Gia Long thứ bảy, Bắc Thành bốn trấn nổi giặc, giả danh tôn Lê. Thành làm khúc hát “Điểm mê” để hiểu dụ. Dân gian có người
làm khúc “Tố khuất”, đổ tội quan lại nhũng nhiễu, cho nên nổi giặc. Thành sức các địa phương quan đi hiểu dụ khắp mọi nơi, và sai các
tướng tiến tiễu, đều dẹp yên cả.
Năm thứ mười, Thành phụng mệnh sung chức Tổng tài sửa lại luật lệ, định thành 20 quyển, 398 điều, tâu xin in cả để thi hành.
Năm thứ mười ba, gặp tang đức Thừa Thiên hoàng hậu (sinh ra ông hoàng tử Cảnh), đức Thế Tổ muốn để ông hoàng tử đệ tứ (đức
Minh Mạng) làm thừa tự, vào chủ tế. Thành ngại rằng lòng văn tế khó xưng hô, đức Thế Tổ bảo rằng: “Con phụng mệnh cha, để mà tế
mẹ, danh chính ngôn thuận, can gì mà không nên.” Nhưng Thành vẫn có ý bất mãn. Sau đó khi đương buổi triều, đức Thế Tổ hỏi Thành
rằng: “Nay hoàng tôn Đán (con ông hoàng tử Cảnh) còn nhỏ, trong hàng các con, nên lập ai là phải?” Thành thưa rằng: “Đích tôn thừa