như Đặng Mậu Thất, Đường Trại Nhi ở Sơn Đông, cuộc nổi dậy của nhân
dân Quảng Tây, Vân Nam: Tích Lịch Đại Vương đã chiếm đất xưng đế, các
xứ Tầm Châu, Giang Tả không giữ được. Cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số
"áo Đỏ", Bình Lạc, Tư Ân, Nghi Sơn cũng nhất tề nổi dậy, và phủ Tư Minh
cũng đem quân phản lại Minh triều. Do đó, mãi đến tháng 7 năm Đinh Mùi,
hai đạo quân ấy mới tiến gần đến biên giới Hoa- Việt.
Đạo quân tiếp viện thứ nhất gồm 100.000 quân và 20.000 ngựa do An Viễn
Hầu Liễu Thăng làm Tổng binh, Lương Minh làm Phó tướng, Binh bộ
Thượng thư Lý Khánh làm Tham tán Quân vụ, Đô đốc Thôi Tụ làm Hữu
Tham tướng, tiến theo đường Quảng Tây nhập Đại Việt.
Đạo thứ hai gồm 50.000 và 10.000 ngựa, do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh
làm Tổng binh, Từ Hanh làm Tả Phó Tổng binh, Đàm Trung làm Hữu Phó
Tổng binh, theo đường Vân Nam mà tiến vào cửa Lê Hoa.
Mộc Thạnh là tên tướng già, dày kinh nghiệm chiến trường Đại Việt nên y
hết sức thận trọng, không dám ồ ạt tiến sang, mà án binh, chờ đạo quân
Liễu Thăng xung phá trước.
Khác với Mộc Thạnh, Liễu Thăng là một viên tướng trẻ, hung hăng, hiếu
chiến, hiếu thắng, kiêu ngạo. Đã ba lần y tham chiến và đã thắng rất lẫy
lừng ở biên giới phía Bắc, nên từ một Bách hộ phu tầm thường, y đã được
thăng chức rất nhanh, lên Đô chỉ huy, rồi tước Bá, tước Hầu; nên khi nhận
được thư gởi của Nguyễn Trãi, lá thư lời lẽ nhu thuận, y đánh giá cho rằng
tinh thần nhân dân Đại Việt hèn nhát, khiếp nhược, y lại càng kiêu ngạo,
ngông nghênh.
Ngày 15 tháng 9 năm Đinh Mùi, mười vạn quân Liễu Thăng đánh vào cửa
ải Phả Lũy, tướng giữ ải là Trần Lưu phải lui về ải Lưu. Địch tiến đánh ải
Lưu, Trần Lưu rút quân về Chi Lăng, là một cửa ải xung yếu, cách Phả Lũy
khoảng một trăm dặm.
ải Chi Lăng là một ải đã có từ lâu đời, nằm trên một thung lũng nhỏ, bốn bề
núi non hiểm trở bao bọc. Thung lũng hình bầu dục, dài khoảng sáu dặm,
giữa phình ra, rộng chừng hai dặm; hai đầu thắt lại thành hai cửa vào ải.
Cửa Bắc dựa vào Cai Kinh Sơn, một bên là Hàm Quỷ Sơn, còn gọi là Hàm
Quỷ Quan, hay Quỷ Môn Quan. Cửa phía Nam, dựa vào Cai Kinh Sơn và