có thể một mình địch nổi trăm tay kiếm. Bọn chúng xung sát dư trăm trận
từ nhiều trận địa, chúng cũng kiêu ngạo không kém Liễu Thăng, vì chưa
một lần chiến bại.
Bách Hùng theo chân Liễu Thăng ào qua cửa ải, đại đao, kiếm kích loang
loáng, xông xáo như chỗ không người. Đến Mã Yên, Liễu Thăng và Bách
Hùng thúc ngựa vượt qua cầu sang phía Nam cánh đồng lầy. Dưới vó ngựa
dồn dập của chúng, chiếc cầu không chịu nổi gãy đổ xuống, chia cắt Liễu
Thăng và bọn Bách Hùng đã bên này cầu với mười ngàn quân tiên phong ở
phía sau...
Đột nhiên, tiếng tù và, tiếng trống trận nổi lên, tiếp sau là tiếng pháo nổ
rầm trời, Nghĩa quân và dân binh phục binh bốn bề đổ ra chặn đánh. Liễu
Thăng tuy chột dạ, nhưng vẫn cùng Bách Hùng, như trăm con cọp dữ, nhảy
vào bầy dê.
Nghĩa binh hàng hàng lớp lớp đổ ra, Bách Hùng theo sát Liễu Thăng tả
xông hữu đột, đánh dạt binh Nam. Các tướng của Lam sơn dồn lại vì không
thể cự địch, nhiều người đã chết dưới cây đại đao loang loáng như một đạo
hào quang của Liễu Thăng. Bọn Bách Hùng tỏa rộng ra hai bên, một trăm
thanh kiếm rít gió đánh dạt Nghĩa quân ra hai phía. Tướng Đinh Liệt, Lê
Thụ, Lưu Nhân Chú, nổi danh là những mãnh tướng cũng không kháng cự
nổi.
Nguyên Huân đứng bên sườn núi nhìn xuống, chàng nói cùng Lý Huề :
- Lý đại ca, tên xử dụng đại đao chính là Liễu Thăng, tên cao đồ của Thiên
Sơn phái, hắn quả là lợi hại!
- Trần thiếu hiệp, đã đến lúc ta phải ra tay, nếu không e chậm trễ, cuộc diện
sẽ nguy mất!
Nguyên Huân ngẩng đầu, chàng cất tiếng hú xung trận...
Lúc này, Đinh Liệt và Lưu Nhân Chú, xuất hạn đầy mình. Cây đại đao của
Liễu Thăng như con rồng thần, mình hắn cự địch với hai viên tướng vẫn
chiếm thế thượng phong, bản đao rộng sắc nước như một vòng hào quang
lóe mắt, bổ ập xuống mạnh tựa núi đổ. Đinh, Lưu hai tướng đã thở hồng
hộc, rùn thấp người vung ngang trường thương...
Chợt nghe tiếng hú quen thuộc vọng đến tai, Đinh Liệt vô cùng mừng rỡ: