Chúng ta đã thấy các giá trị được gắn với các tùy chọn khác nhau như
thế nào. Nhưng có một sự thay đổi thường xảy ra trong quá trình ra quyết
định: các lựa chọn ngay phía trước chúng ta có xu hướng được đánh giá cao
hơn so với những gì mà chúng ta chỉ đơn thuần mô phỏng. Những ngăn trở
đối với việc ra một quyết định tốt cho tương lai hóa ra lại chính là hiện tại.
Trong năm 2008, nền kinh tế Mỹ bị suy thoái trầm trọng. Tâm điểm của
rắc rối lại là một thực tế hết sức đơn giản: nhiều chủ nhà đã vay nợ quá
nhiều. Họ đã nắm lấy các khoản cho vay lãi suất thấp trong giai đoạn vài
năm. Vấn đề xảy ra vào cuối chu kỳ thử nghiệm, khi lãi suất tăng lên. Ở
mức cao hơn, nhiều chủ sở hữu nhà nhận ra là mình không thể thực hiện
được việc thanh khoản. Gần một triệu căn nhà bị tịch thu, gây ra những cú
sốc tác động đến cả nền kinh tế thế giới.
Thảm họa này có liên quan gì đến các mạng lưới cạnh tranh trong não?
Những khoản cho vay thứ phát cho phép mọi người có được một ngôi nhà
đẹp ngay lập tức, với lãi suất cao trả sau. Như vậy, lời đề nghị này hoàn
toàn hấp dẫn các mạng lưới thần kinh mong muốn được thỏa mãn tức thì -
tức là những mạng lưới đó muốn mọi thứ ngay bây giờ. Vì mong muốn
thỏa mãn này ngay lập tức đẩy nhanh quá trình ra quyết định của chúng ta,
có thể coi bong bóng nhà ở không chỉ đơn giản là một hiện tượng kinh tế
mà còn là một hiện tượng thần kinh.
Sức hút của hiện tại không chỉ diễn ra với những người vay, tất nhiên,
mà còn cả những người cho vay, những người đang trở nên giàu có bằng
cách bán các khoản vay sẽ không được hoàn trả. Họ nhanh chóng đóng gói
khoản vay và bán chúng đi. Những hành động như vậy là phi đạo đức,
nhưng sự cám dỗ đã chứng tỏ sức hấp dẫn khủng khiếp với hàng ngàn
người.