Chúng ta hãy xem những gì cần thiết để thực hiện điều đó. Để bắt đầu,
chúng ta cần những máy tính cực mạnh có thể lưu trữ dữ liệu chi tiết của một
bộ não riêng lẻ. May mắn thay, chúng ta đang phát triển các tính toán theo cấp
số nhân với tiềm năng to lớn. Trong hai mươi năm qua, sức mạnh tính toán đã
tăng hơn một nghìn lần. Sức mạnh xử lý của các con chip máy tính tăng gấp
đôi cứ sau mười tám tháng, và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Các công nghệ
của kỷ nguyên hiện đại cho phép chúng ta lưu trữ dữ liệu không thể tưởng
tượng được và chạy các mô phỏng khổng lồ.
Với tiềm năng tính toán của chúng ta, có vẻ như một ngày nào đó chúng ta
sẽ có thể quét một bản sao hoạt động của bộ não con người lên nền máy tính.
Về lý thuyết, không có gì ngăn cản được khả năng này. Tuy nhiên, thách thức
này cũng cần được nhìn nhận một cách thực tế.
Bộ não điển hình có khoảng tám mươi sáu tỉ neuron, mỗi neuron có khoảng
một vạn kết nối. Chúng kết nối theo một cách rất đặc trưng, không ai giống ai
ở mỗi người. Những trải nghiệm của bạn, những ký ức của bạn, tất cả những
thứ khiến bạn trở nên đặc thù bằng một mô hình độc đáo của hàng triệu tỉ kết
nối giữa các tế bào não của bạn. Mô hình này, quá lớn để hiểu, được tóm tắt
như là “tập kết nối” (connectome). Trong một nỗ lực đầy tham vọng, Tiến sĩ
Sebastian Seung tại Princeton đang làm việc với nhóm của ông để đào sâu các
chi tiết tinh vi của một tập kết nối.
Với một hệ thống vi tế và phức tạp, sẽ là vô cùng khó khăn để lập bản đồ
mạng kết nối. Seung sử dụng chuỗi kính hiển vi điện tử, bao gồm việc tạo ra
một loạt lát cắt mô não rất mỏng bằng một lưỡi dao cực kỳ chính xác. (Hiện
tại, bộ não chuột được sử dụng chứ không phải bộ não con người.) Mỗi lát cắt
được chia thành các khu vực nhỏ, và từng miếng được quét bằng kính hiển vi
điện tử cực kỳ mạnh. Kết quả của mỗi lần quét là hình ảnh gọi là một vi ảnh
điện tử - và vi ảnh này thể hiện một phần bộ não phóng to một trăm ngàn lần.
Với kích cỡ này, có thể thấy rõ các tính năng của não.