Trong trường hợp của Mike, bốn mươi năm mù lòa có nghĩa là địa hạt
rộng lớn của hệ thống thị giác (thường gọi là vỏ não thị giác) đã được các
giác quan còn lại đảm trách, như thính giác và xúc giác. Điều đó ảnh hưởng
đến khả năng của não bộ trong việc phối hợp tất cả các tín hiệu cần thiết để
có thị lực. Như chúng ta sẽ thấy, thị giác xuất hiện từ sự phối hợp của hàng
tỉ neuron làm việc cùng nhau trong một bản giao hưởng đặc biệt và hết sức
phức tạp.
Hiện nay, mười lăm năm sau cuộc phẫu thuật, Mike vẫn gặp khó khăn
khi đọc các từ trên giấy và những biểu hiện trên khuôn mặt mọi người. Khi
cần cảm nhận tốt hơn với thị giác không hoàn hảo của mình, ông thường sử
dụng các giác quan khác để đối chiếu thông tin: ông chạm vào, ông nâng
lên, ông lắng nghe. Sự đối chiếu qua các giác quan này là điều mà tất cả
chúng ta đã làm ở độ tuổi trẻ hơn nhiều, khi bộ não của chúng ta lần đầu có
những ý niệm về thế giới.
VIỆC NHÌN KHÔNG CHỈ CẦN ĐÔI MẮT
Khi những đứa trẻ vươn tới để chạm vào những gì phía trước, mục đích
của chúng không chỉ là để tìm hiểu về kết cấu và hình dạng. Những hành
động này cũng cần thiết cho việc học cách nhìn. Nghe có vẻ kỳ lạ khi tưởng
tượng rằng mỗi vận động của cơ thể chúng ta là rất cần thiết cho việc quan
sát, ý tưởng này được minh chứng một cách tao nhã với hai chú mèo vào
năm 1963.
Richard Held và Alan Hein, hai nhà nghiên cứu tại MIT, đã đưa hai con
mèo vào một trụ xoay có sọc dọc. Cả hai con mèo đều tiếp nhận hình ảnh
đầu vào xuất hiện từ những dịch chuyển xung quanh bên trong trụ xoay.
Nhưng có một sự khác biệt quan trọng trong trải nghiệm của chúng là: con
mèo đầu tiên đang đi bộ thoải mái, trong khi con mèo thứ hai đứng trên