Nếu chỉ nhìn bề ngoài, dường như lợi thế lớn thuộc về các loài khác -
nhưng trên thực tế nó biểu thị một giới hạn. Động vật sơ sinh phát triển
nhanh chóng bởi vì não của chúng được kết nối theo một chương trình đã
được chuẩn bị phần lớn. Nhưng sự chuẩn bị đó phải đánh đổi với tính linh
hoạt. Hãy tưởng tượng nếu một số con tê giác không may lạc tới vùng Bắc
Cực, hay trên đỉnh một ngọn núi ở dãy Himalaya, hay ở giữa thành phố
Tokyo. Nó sẽ không có khả năng thích ứng (đó là lý do tại sao chúng ta
không tìm thấy tê giác ở những khu vực đó). Chiến lược đón đầu với một
bộ não được tổ chức trước sẽ chỉ hoạt động trong một vị trí cụ thể của hệ
sinh thái - nhưng nếu đặt chúng ngoài ổ sinh thái, cơ hội phát triển là rất
thấp.
Ngược lại, con người có thể phát triển mạnh mẽ trong nhiều môi trường
khác nhau, từ vùng lạnh giá đến các ngọn núi cao cho tới các trung tâm đô
thị nhộn nhịp. Điều này là khả dĩ vì bộ não con người được sinh ra chưa
thực sự hoàn thiện. Thay vì có sẵn kết nối - chúng ta hãy gọi nó là “kết nối
cứng” - não bộ của con người tự định hình thông qua các mảnh ghép trải
nghiệm sống. Điều này dẫn tới hệ quả là các giai đoạn dài không thể tự lo
liệu khi bộ não non trẻ dần thích ứng với môi trường. Đó chính là “kết nối
sống.”
TUỔI THƠ ĐƯỢC TINH GIẢN: HÉ LỘ BỨC TƯỢNG TRONG KHỐI
ĐÁ CẨM THẠCH
Bí mật đằng sau tính linh hoạt của bộ não trẻ là gì? Nó không phải là việc
phát triển tiếp các tế bào mới - trên thực tế, số lượng tế bào não là như
nhau ở trẻ em và người lớn. Thay vào đó, bí mật nằm ở cách những tế bào
này được kết nối.