CHƯƠNG XVII
VÌ SAO TRONG NHỮNG THỜI KÌ BÌNH QUYỀN VÀ
HOÀI NGHI CẦN PHẢI ĐẨY XA RA PHÍA TRƯỚC
CÁC MỤC TIÊU HÀNH ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI
Trong những thời kì con người còn niềm tin, người ta đặt mục tiêu cuối
cùng của đời người sau sự sống của con người.
Một cách tự nhiên, và gần như không có ý thức rõ rệt, con người trải
nhiều năm tháng vào những thời kì như thế đâm ra quen dần với việc nhìn
vào cái mục tiêu bất động mà họ không ngừng tiến bước hướng tới, và thông
qua những tiến bộ khó nhận ra, họ học được cách nén đi cả ngàn ước vọng
thoáng qua, đặng thoả mãn một cách tốt đẹp cái ước vọng to tát và thường
trực vẫn làm họ đau khổ. Khi cũng những con người đó muốn chăm lo
những công việc thế gian, họ lặp lại các thói quen đó. Họ tự nguyện xác định
cho các hành động của mình ở nơi mặt đất này một mục đích chung và chắc
chắn, đổ cho mọi nỗ lực của họ cùng hướng tới cái đích ấy. Không thấy họ
hàng ngày lại lao vào những dự định mới; nhưng họ đã có sẵn những ý đồ
được đeo đuổi không biết mệt.
Điều này lí giải vì sao những dân tộc có tín ngưỡng lại thường thành tựu
được những công cuộc bền lâu. Hình như khi họ biết lo đến cái thế giới khác
kia, thì họ cũng bắt gặp cái bí ẩn lớn lao giúp họ thành công trong thế giới
này.
Các tôn giáo tạo ra thói quen chung của con người là hành xử như thể có
một tương lai ở phía trước. Trong việc này, tôn giáo không kém hữu ích cho
cái hạnh phúc trong cuộc đời này cũng như cho cái toàn phúc ở cái “cuộc
đời” mai sau. Đó là một trong những khía cạnh chính trị to lớn của tôn giáo.