Trong các xã hội dân chủ, chỉ có chính quyền trung ương là còn có chút gì ổn định trong hình thái
tồn tại và thường xuyên có mặt trong các công trình. Còn tất cả các công dân đều không ngừng nhộn
nhạo và đổi thay. Thế mà, bản chất của mọi chính quyền là mong muốn liên tục mở rộng phạm vi
quyền hành. Cho nên về lâu dài, khó mà tránh khỏi việc cái chính quyền này đạt được ý đồ, vì nó tác
động với một ý tưởng cố định và một ý chí liên tục tới những con người có vị trí, có tư tưởng và ước
vọng thay đổi từng ngày.
Lắm khi chính các công dân lại vô tình giúp cho chính quyền đó thực hiện ý đồ.
Thời đại dân chủ là thời của thử thách, cách tân và phiêu lưu. Vào thời đó luôn luôn có vô số con
người dấn thân vào một công cuộc khó khăn hoặc mới mẻ và tự mình tiến hành riêng rẽ bất cần những
người xung quanh ra sao. Về nguyên tắc, những con người này chấp nhận rằng thế lực công cộng
không được can thiệp vào các công chuyện riêng tư; nhưng trong ngoại lệ thì mỗi công dân riêng rẽ
kia lại mong nhận được sự giúp đỡ để mình tiến hành việc riêng và nó luôn luôn tìm cách lôi cuốn
hành động của chính quyền về với mình đồng thời lại muốn thắt chặt mọi cá thể khác.
Vô vàn con người do chỗ cùng lúc có những cách nhìn riêng đối với vô vàn mục tiêu khác nhau,
chính điều đó khiến cho phạm vi của quyền lực trung ương bành trướng ra được, mặc dù cá nhân nào
cũng mong ngăn chặn nó làm như vậy. Một chính quyền dân chủ gia tăng được các chức quyền duy
nhất chỉ vì nó kéo dài được sự tồn tại. Thời gian ủng hộ nó; tất cả các ngẫu nhân điều làm lợi cho nó;
các đam mê cá nhân cũng vô tình giúp nó, và ta có thể nói rằng chính quyền đó càng trở nên tập trung
hoá khi cái xã hội dân chủ càng nhiều năm tuổi.