nguyện chui vào và nghĩ ngơi trong lòng khái niệm thống nhất đó. Họ không
chỉ đạt tới chỗ phát hiện trong cuộc sống chỉ có một sự tạo sinh và chỉ có
một đấng sáng tạo; khám phá được đến thế rồi mà họ vẫn còn áy náy, thế là
họ tự nguyện mở rộng và giản đơn hoá tư duy của mình bằng cách gói Chúa
Trời và vũ trụ vào trong một cái Toàn bộ duy nhất. Nếu tôi bắt gặp một hệ
thống triết học theo đó các vật thể vật chất và phi vật chất, hữu hình và vô
hình tạo thành thế giới này chỉ còn được coi như là những bộ phận khác
nhau của một tồn tại to lớn mênh mông mà chỉ riêng nó là vĩnh hằng bất
biến giữa tính biến động không ngừng nghỉ của mọi thành phần tạo nên nó,
khi đó tôi sẽ dễ dàng đi tới kết luận là, một hệ thống như vậy, cho dù nó có
thủ tiêu tính cá nhân của con người đi, hoặc có thể chính nó thủ tiêu được
tính cá nhân của con người, hệ thống ấy sẽ có những cái duyên thầm hấp dẫn
những con người sống trong nền dân chủ. Mọi thói quen trí tuệ của những
con người đó đều khiến họ sẵn sàng nghĩ ra thuyết phiếm thần và sẵn sàng
tiếp nhận học thuyết đó. Học thuyết này hấp dẫn trí tưởng tượng của họ một
cách tự nhiên và cố định trí tưởng tượng của họ lại. Học thuyết này dung
dưỡng đầu óc kiêu căng của con người và ve vuốt sự lười biếng của con
người.
Trong số những hệ thống được triết học dựa vào để lí giải vũ trụ, tôi cảm
thấy thuyết phiếm thần là một trong những học thuyết thích hợp hơn cả để
ve vãn được tư duy con người sống trong những thời kì dân chủ. Những ai
còn gắn bó với sự vĩ đại đích thực của con người cần phải đoàn kết lại và
đấu tranh chống lại chính cái thứ “học thuyết” đó.