Able giải thích “Tôi muốn chế tạo một dụng cụ có thể mở ra vô vàn cơ
hội cho khả năng bắt cá. Khi làm xong, tôi sẽ tốn ít thời gian để bắt cá hơn,
và sẽ chẳng bao giờ lo đói nữa”.
Charlie trợn tròn mắt và tự hỏi liệu bạn mình có bị điên hay không “Điên
khùng, tôi nói với anh đó, điên khùng rồi...Nếu cái dụng cụ của anh không
bắt cá được, đừng có đến xin cá của tôi đó. Tôi không điên nên tôi sẽ không
chịu trách nhiệm cho tính dở hơi của anh đâu!”.
Không nản chí, Able tiếp tục đan vợt!
Đến cuối ngày hôm đó, Able đã hoàn thành dụng cụ bắt cá của mình.
Nói theo ngôn ngữ kinh tế, anh ta đã tạo ra tư liệu sản xuất qua sự hy sinh
(việc bắt cá trong ngày hôm đó - ND) của bản thân!
KIỂM TRA THỰC TẾ
Trong ví dụ đơn giản này, Able đã chứng minh một nguyên tắc kinh tế cơ
bản có thể dẫn đến việc nâng cao mức sống, đó là giảm tiêu dùng (tiêu
dùng dưới mức) và chấp nhận rủi ro!
Tiêu dùng dưới mức (underconsumption): Để có thời gian làm cây vợt,
Able không thể đi bắt cá trong ngày hôm đó. Anh ta phải từ bỏ thu nhập - ở
đây là những chú cá bắt được bằng tay - mà lẽ ra anh ta đã có thể có được
và ăn được! Điều này không có nghĩa là Able không có nhu cầu về cá.
Thực tế thì Able thích ăn cá và nếu ngày đó không có một con để ăn thì anh
ta vẫn đói.
Nhu cầu về cá của Able so với hai người bạn của anh ta là không khác
nhau. Tuy nhiên, anh ta đã chọn cách trì hoãn sự tiêu dùng để có thể tiêu
dùng nhiều hơn trong tương lai.
Chấp nhận rủi ro (risk taking): Able cũng đã chấp nhận rủi ro vì anh ta
hoàn toàn không biết trước liệu dụng cụ mà mình làm ra có hoạt động được
hay không, hoặc dụng cụ đó có giúp anh ta bắt được đủ cá để bù cho sự hy
sinh anh ta đã bỏ ra hay không. Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng anh ta kết
thúc với một đám dây nhợ lằng nhằng và cái dạ dày trống trơn! Nếu ý
tưởng thất bại, Able không thể trông mong sự giúp đỡ hay bù đắp nào từ
các bạn, những người mà dù sao đi nữa cũng đã có thiện chí cảnh báo cho
Able về nguy cơ của hành động điên rồ này.