Hai là, các quyết định của Fed thường bị ảnh hưởng bởi những xét đoán
về chính trị hơn là về kinh tế. Vì lãi suất thấp có xu hướng làm cho nền
kinh tế trông bên ngoài dường như tốt hơn, giảm chi phí trả lãi cho vay mua
nhà (thế chấp bằng chính căn nhà được mua) và các khoản vay khác, đồng
thời giúp các định chế tài chính kiếm thêm lợi nhuận, luôn có rất nhiều
người mong muốn giảm lãi suất. Các vị Tổng thống Hoa Kỳ muốn tái đắc
cử luôn kêu gọi giảm lãi suất, gây sức ép với Fed để giúp họ làm điều đó.
Về phía mình, các nhà làm chính sách tại Fed cũng thích được xã hội nhìn
nhận như những người tốt sẵn lòng giúp đỡ nền kinh tế, chứ không phải
như những lão Scrooge
bủn xỉn keo kiệt, kéo nền kinh tế vào suy thoái.
Trong khi đó, các thành viên khác của xã hội, những người ủng hộ lãi
suất cao, chủ yếu là những ai có khoản tiết kiệm, thì lại không có những
nhóm có cùng chung lợi ích được tổ chức tốt. Tiếng nói của họ không bao
giờ được quan tâm. Kết quả là có sự đồng thuận cao trong việc duy trì lãi
suất quá thấp hơn là để nó quá cao. Xin các bạn nhớ cho rằng lãi suất thấp
sẽ khuyến khích vay mượn và hạn chế tiết kiệm. Không có gì ngạc nhiên
khi Hoa Kỳ đã chuyển từ một quốc gia của những người tiết kiệm thành
một quốc gia của những người đi vay nợ!
Ngoài ra, lãi suất quá thấp so với nguồn cung tiết kiệm đưa ra những tín
hiệu sai lầm cho người đi vay về sức khỏe của nền kinh tế cũng như hiệu
quả của các khoản đầu tư. Vì tiêu dùng không thực sự bị trì hoãn (như
trong trường hợp lãi suất giảm do những lực lượng thị trường), các khoản
đầu tư vào tư liệu sản xuất để thỏa mãn tiêu dùng tương lai sẽ ít có khả
năng thành công. Kết quả cuối cùng là những đợt bong bóng giả tạo, tiếp
theo là bong bóng vỡ tan, như đã xảy ra với chứng khoán và bất động sản
tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây.