Thực hiện ebook: www.hocthuatphuongdong.vn
8
Gánh hàng hóa tuy nhỏ bé chẳng có gì, nhưng cô phải kiếm làm
sao, lấy công làm lãi, để có tiền giúp đỡ cha mẹ, lại có tiền để dành
làm vốn. Cô phải chịu khó lắm, dậy sớm để đi chợ xa, về muộn để bán
nhặt mấy món hàng ế, thức khuya để thu xếp hàng hóa hôm sau.
Rồi cô lấy chồng.
Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Chàng trai ở Thị cầu thật là sung sướng. Làng ít ruộng, công việc đồng
áng chẳng bao nhiêu. Khi bé chàng được cha mẹ nuôi, lớn lên, lấy vợ
lại vợ phải nuôi. Chàng chỉ cơm ngày hai bữa, lo đi hội hè, nuôi gà
chọi, nuôi chim gáy, nuôi họa mi và thỉnh thoảng lại vui anh, vui em
một bữa rượu hay cùng chúng bạn đi hát quan họ với gái thiên hạ
trong ngày xuân. Lẽ tất nhiên mọi việc chi tiêu của chàng đều dựa vào
lưng vợ. Người vợ không hề bao giờ than vãn vất vả, mặc dầu phải
quai gồng bôn ba kiếm ăn cho gia đình, kiếm tiền cho chồng. Lại còn
khi giỗ ngày tết, đều là những dịp cho nàng phải lo sao cho bằng
người, cho họ nhà chồng trông vào. Nào đâu đã hết, còn tiền đóng
tiền góp với dân làng, tiền sưu tiền thuế của chồng của con. Và bao
nhiêu công kia việc nọ: khi mừng, khi vui, khi khao, khi vọng, nhất nhất
nàng đều phải lo sao cho chồng đẹp mặt, lo sao cho khỏi thiếu lệ
làng.
Cô gái Thị Cầu quanh năm tất tưởi, kể cả những phút yêu chồng:
Xin chàng bỏ áo em ra
Để em đi chợ kéo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của
Miệng tiếng cười người rỡ sao đang
Lấy chồng gánh vác giang sơn
Chợ phiên đã lỡ, giang sơn còn gì?
Tuy vậy có làm thì phải có chơi, có vất vả phải có lúc thanh nhàn.
Cô gái Thị Cầu cũng không ra khỏi công lệ đó, nhưng trước thanh
nhàn người ta thường phải vất vả nhiều hơn.
Hàng năm gần dịp Tết đến là cô gái Thị Cầu bận rộn nhất. Nàng phải
đi hết những phiên chợ, buôn bán quanh năm chỉ trông vào mấy ngày