Thưc hiện ebook: www.hocthuatphuongdong.vn
9
gần Tết, hàng hóa bán được chạy, mới kiếm được nhiều lời. Nàng phải
chịu khó để kiếm cái Tết cho chồng con và cho cả chính mình nữa.
Giêng hai, ngày rộng tháng dài, trong làng mở hội thì cũng phải có
quần này áo khác, và chồng con cũng phải tề chỉnh bằng người.
Các cô gái chưa chồng trong dịp này lại càng chịu khó hơn.
Các cô cần dành cho mình một món tiền để sắm sửa ganh đua với chị
với em. Phần thưởng một năm vất vả của các cô chỉ có thế, và chỉ như
thế các cô cũng đã sung sướng lắm rồi!
Vậy thì các cô cố gắng hơn, cố gắng trong việc buôn bán, cố gắng
trong việc giúp đỡ cha mẹ.
Sống quanh năm không bằng lo ba ngày Tết. Các cô phải lo sao cho
cái Tết ra cái Tết, cho hơn thiên hạ.
Ngày xưa, làng Thị Cầu có nghề làm pháo. Các cô ban ngày đi chợ,
tối về sau khi thu xếp hàng hóa bán hôm sau xong, các cô lại phụ việc
làm pháo của gia đình. Các cô quấn pháo, ghim pháo, tra ngòi, bó
chục, xếp trăm. Nghề làm pháo chỉ là một tiểu công nghệ gia đình của
dân làng. Pháo làm quanh năm, để dành đến Tết mới bán để lấy tiền
tranh pháo cho trẻ. Tiếng như thế, nhưng sự sung túc của dân làng
trong lúc cuối năm trông cậy rất nhiều ở số pháo bán.
Mỗi năm, để sửa soạn đón xuân sang, dân làng Thị Cầu dồn nhiều
công việc và thì giờ vào làm pháo. Và cô gái làng, môi đã thắm càng
thắm thêm, tay đã hồng càng hồng nữa vì luôn luôn phải động tới áo
pháo giấy đỏ, nhưng lòng cô cũng tưng bừng sung sướng hơn vì số
tiền bán pháo của cha mẹ sẽ giúp cho bộ cánh mừng xuân của cô
thêm đẹp.
Rồi Tết đến, ba ngày Tết cô cũng nghỉ ngơi như mọi người, cô cũng
mặc quần áo đẹp, đeo hoa tai, đeo sà tích bạc đi xuất hành lễ Tết, lên
chùa, ra miếu. Nhưng nếu mọi người nghỉ hẳn thì cô gái Thị Cầu tuy
nghỉ, vẫn phải lo cỗ bàn ngày Tết để cha anh hay chồng tiếp khách
ngoài tỉnh hoặc khách làng bên tới chúc xuân. Lửa bếp ngày xuân
khiến đôi má cô thêm ửng đỏ, mắt cô thêm sáng, cô thêm xinh đẹp
duyên dáng giữa muôn hồng ngàn tía.