Đền ngăn làm ba có cửa ăn thông nhau. Giữa là đền thờ, bên trái là nhà
sửa soạn vàng hương của khách vào dâng lễ, bên phải là nhà để xăm.
Đền thờ chia làm ba lớp, mỗi lớp đều có bàn thờ, duy lớp trong cùng tức
là hậu cung có tượng của đức Tả quân trông thật uy nghi trang trọng.
Đền có những bức hoành phi chữ vàng chói lọi và những đôi câu đối ở
những hàng cột, nhắc lại sự nghiệp hiển hách của Tả quân.
Đền đã được liệt vào hạng di tích văn hóa được bảo tồn.
Đằng sau đền lại là vườn hoa và có cửa sau để khách hành hương cũng
có thể ra vào lối này được. Cửa sau cũng có ba cổng, cổng giữa thường
chỉ mở trong những ngày lễ, còn hai bên là lối ra vào riêng biệt.
Hội Lăng Ông
Như trên đã trình bày, đức Tả quân Lê Văn Duyệt tạ thế ngày 30 tháng 7
năm Nhâm Thìn (1823).
Hàng năm tới ky nhật của Ngài, hội Thượng công quý tế tức là hội trông
nom quản trị Lăng Ông có mở hội để làm giỗ Ngài. Tuy ky nhật vào
ngày 30 tháng 7, nhưng hội thường kéo dài cho đến hết ngày mồng 3
tháng 8. Trong những ngày hội, năm nào ban quản trị cũng dự trù một
chương trình thật là phong phú.
Dân chúng xã Bình Hòa trước tiên rồi đến dân chúng Gia Định, Sài Gòn
và toàn cõi Việt Nam tới dự giỗ để chiêm bái Ngài, và nhân thể nhiều
người xin quẻ xăm để tìm hỏi về gia sự, bản mệnh công danh v.v...
Suốt trong mấy ngày hội Lăng Ông tấp nập những thiện nam tín nữ tới
hành hương chen chúc nhau ở trong đền và ở cả nơi mộ của hai ông bà
Tả quân nữa. Già có, trẻ có, nam thanh nữ tú có. Lòng sùng bái vị anh
hùng dân tộc ăn sâu vào mọi tầng lớp dân chúng, nên trong ngày giỗ
Ngài, không ai tham công tiếc việc, ai cũng cố bớt chút thì giờ đi lễ.