Nội dung câu hát thường là lời căn dặn nhau, bảo nhau giữ lấy những lời
hẹn ước đừng vì khuất mặt xa lời mà quên nhau.
Tuy ba giọng hát là ba thời kỳ của buổi hát: gặp gỡ, gắn bó và giã từ,
nhưng nhiều khi hát sang giọng Bỉ rồi, có những đám quan họ lại trở lại
hát giọng Vặt như cố níu lấy sự lưu luyến của trai gái đang tuổi yêu
đương. Giọng Vặt một đôi câu, rồi vì ngày hội đã tàn, đêm đã xuống, họ
lại chuyển sang giọng Bỉ để từ biệt và hẹn hò nhau đến một đám hội
khác trong vùng và một ngày mai sắp tới.
Năm giọng trên
Thường gặp nhau trong ngày hội trai gái quan họ chỉ bắt qua ba giọng
Sổng, Vặt và Bỉ, nhưng ngoài ba giọng phổ thông trên, quan họ còn có
năm giọng nữa, là năm giọng Trên. Năm giọng này khó hát vì tiếng hát
phải xuất phát từ bề sâu trong cuống họng. Năm giọng Trên này chỉ dùng
tới khi hát giải. Năm giọng này mang những tên rất lạ:
1. Lên núi: Giọng hát khi hát lên, người nghe có cảm giác như thấy một
đoàn người reo hò cùng nhau leo núi. Câu hát lối thứ tự. Rất tiếc kẻ viết
bài này lâu ngày không còn nhớ được câu nào.
2. Đường bạn: Giọng gắn bó keo sơn với những lời hát rất tình tứ.
3. Xuống sông: Cũng như giọng lên núi, khi hát lên người nghe có cảm
giác như một đoàn người đang bước xuống kín nước ở dòng sông.
4. Hừ la: Tên thật kỳ khôi với những bài hát giọng kéo dài đặc biệt.
5. Tình tang: Cũng như giọng hừ la, lúc hát câu hát được đệm bằng
những tiếng tình tang.
Năm giọng trên của quan họ chỉ người lão luyện mới hát nổi, vừa tốn hơi
tốn sức, lại phải diễn tả cho đúng điệu của mỗi giọng.
Nguồn gốc tục hát quan họ