Và còn nhiều hội lắm, suốt tháng Giêng, tháng Hai là những tháng hội hè
và cho tới tháng Ba, hội hè còn lác đác. Rất tiếc lâu ngày, kẻ viết bài này
không nhớ hết.
Mùa xuân là mùa của hội hè. Mùa hội hè là mùa quan họ.
Tại sao lại gọi là hát quan họ
Tại sao giọng hát này lại gọi là quan họ? Về điềm này, trước đây đã
nhiều người giải thích. Mọi người đều cho rằng vì sự kính trọng bọn
người cùng hát với mình nên dùng tiếng quan để xưng hô, còn họ tức là
ý nói một bọn đông. Quan họ là một bọn nhiều người được sự tôn trọng
của những người khác. Hát quan họ tức là lối hát của những người này.
Tôi đã được dịp hỏi người dân Lũng Giang, các cụ già nơi đây đã trả lời:
''Ta gọi nó là hát quan họ thì là hát quan họ. Chính tôi ở nơi đây cũng
không hiểu tại sao lại có danh từ này. Theo các cụ tôi truyền lại thì đầu
tiên những người hát là thân nhân họ hàng quan Hầu được Ngài dạy cho
trước. Quan họ là những người có họ hàng với quan Hầu, và hát quan họ
là lối hát của quan Hầu tập cho những người này đầu tiên.''
Lời giải thích xét ra rất có lý, vì lúc đầu truyền giọng hát mới, Hiếu
Trung Hầu tất nhiên phải truyền cho con cháu trước, rồi sau mới do con
cháu truyền cho người khác.
Kẻ viết bài này vốn người làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh
(Hà Bắc), lúc nhỏ đã có dịp đi theo chúng bạn để dự vào những buổi hát
quan họ, và ở tại làng Thị Cầu, mỗi mùa xuân có hai hội chùa Cao và
chùa Điều vào ngày 9 và 20 tháng Giêng thường có trai gái quan họ các
nơi tới hát, nhưng cũng không hiểu tại sao lại gọi là hát quan họ. Bởi vậy
nghĩ rằng đưa ra một giải thích này cũng không bằng tạm chấp nhận lời
giải thích của các cụ làng Lũng Sơn, nơi có đồi lim và có thể là quê tổ
của tục hát quan họ[1].
Một bọn quan họ