cao. Trong trường hợp này, dân chúng vui mừng lắm, sự hiện diện của
ông báo hiệu một năm thịnh vượng được mùa cá.
Theo ông Thái Văn Kiểm trong tài liệu đã dẫn, trong dịp dân chúng Vàm
Láng tổ chức để rước ngọc cốt của một cá voi tử luỵ năm 1957, ngoài
những nghi thức cử hành như ngày hội nói trên, còn có một đám rước đi
quanh phố xá tới nhà vị hương chức có nhiệm vụ giữ gìn sắc phong của
triều đình. Sắc phong được đặt lên bàn thờ, sau đó bàn thờ được rước
xuống thuyền và thuyền tiến ra biển để làm lễ nghênh Ông.
Mê tín hay tín ngưỡng
Hội Vàm Láng, lẽ ra chúng tôi ngưmg bút ở nơi đây, nhưng nhân dịp xin
được phép trình bày thêm mấy dòng và một đôi điều liên quan tới tục tôn
kính cá Ông, sự tôn kính đã đi tới một mức tin tưởng hầu như mê tín, và
đã có một số người lợi dụng sự tin tưởng này.
Theo một số người thuộc các tỉnh duyên hải phía Bắc Trung Việt, sự linh
thiêng của cá ông đã đi đến việc nhập cốt lên đồng. Một thiếu niên chưa
lập gia đình và chưa có những giao du xác thịt được lựa chọn để ngồi cốt
lên đồng. Trong lúc nhập đồng, thiếu niên sẽ kể lại tai nạn cá voi đã gặp
để đi đến tử lụy, và báo trước mùa màng trong năm xấu tốt. Việc lên
đồng thường chỉ có khi dân chúng mới bắt gặp một xác cá voi dạt vào
bờ.
Tại Bình Thuận, trong những ngày đầu năm, ngư dân thường tới Lăng
Dinh Vạn lễ để mừng tuổi Ông nhân dịp năm mới và đồng thời xin xăm.
Họ tin rằng lá xăm cho họ biết trước những sự rủi may trong năm.
Vì ngư dân sùng tín cá Ông nên đôi khi đã có những tệ trạng sau đây:
Trước đây có một số ngư phủ bất chính tổ chức việc câu bắt cá voi bằng
một loại lưỡi câu vô cùng nguy hiểm gọi là Câu Kiều. Xác cá voi câu
được họ bán cho các ngư dân vẫn hằng tin tưởng tôn kính cá Ông. Nghề
câu kiều không tiếp tục được vì ngư dân khiếu nại, và chính các đương
sự cũng gặp những sự thất bại.