Dân làng Thổ Tang lập đền thờ, và hàng năm vào ngày 18 tháng Chạp có
làm lễ tế ngài, và mỗi mùa Xuân, hội làng cũng lại mở từ ngày 14 đến 23
tháng Giêng.
Thần Hổ và miếu Trúc
Theo các bô lão trong làng kể lại thì xưa kia về phía Nam làng Thổ Tang
có một khu rừng, và hàng năm cứ đến mùa là hổ về phá phách và bắt
trâu, bò, chó, lợn. Dân làng đề phòng cách nào cũng không ngăn được sự
phá hoại mùa màng của hổ.
Cho đến một đêm, một bô lão trong làng nằm mơ thấy một ông già đầu
râu tóc bạc, tay chống gậy trúc, mình mặc áo lông hổ báo cho biết dân
làng phải lập đền thờ thần Hổ mới làm ăn yên ổn và phát đạt được. Vị bô
lão kể lại giấc mơ với các kỳ mục và quan viên trong làng. Tuy bán tín
bán nghi, nhưng các quan viên và kỳ mục cũng dắt nhau ra phía rừng,
thấy có một bãi cỏ có dấu chân hổ dẫm nát.
Tin này được loan đi khắp làng, dân chúng liền bỏ cả việc đồng áng kéo
nhau đi xem. Sau đó các vị quan viên kỳ mục trong làng họp cùng các bô
lão tại đình để bàn việc xây một ngôi miếu thờ thần Hổ, ngay tại chỗ có
dấu chân hổ dẫm.
Miếu này gọi là miếu Trúc, kiến trúc theo kiểu cổ, 3 gian 8 mái, trên nóc
có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Trước miếu có đắp hai con hổ lồng
trong khung kính trông rất oai phong lẫm liệt.
Theo các cụ, từ đó hổ không về tàn phá mùa màng và bắt gia súc nữa.
Và theo lời thuật lại của dân làng Thổ Tang có nhiều câu chuyện ứng
nghiệm thần Hổ giúp đỡ dân làng.
Dưới đây chúng tôi xin kể lại một vài câu chuyện ứng nghiệm đó để độc
giả biết và cũng tùy độc giả tin hay không[1].
Hổ giúp người bệnh