Những bánh này, sau khi cúng dành phần để biếu các xã lân cận.
Những năm phong đăng hòa cốc, dân làng lại tổ chức cuộc múa mo, một
cổ tục rất đặc biệt.
Buổi chiều sau khi tế lễ đã xong, trai chưa vợ, gái chưa chồng đều tự do
tụ họp tại đình. Lúc này, một ca nhi vừa múa vừa hát, tay trái cầm một
khúc tre tượng trưng cho sinh thực khí dương và tay phải cầm một chiếc
mo cau tượng trung cho sinh thực khí âm. Ca nhi vừa múa vừa lấy khúc
tre lắp vào mo cau và ca:
Cái sự làm sao, cái sự làm vầy,
Cái sự thế này, cái sự làm sao.
Sau một lúc múa hát, ca nhi tung khúc tre và mo cau cho trai gái tranh
nhau cướp. Tục tin rằng cô gái nào cướp được khúc tre sẽ được may mắn
trong cuộc tình duyên và được sự che chở của thần linh. Do đó, cậu trai
nào thương yêu cô, ân ái với cô đến thụ thai sẽ được làng thưởng tiền,
tiền cổ ngày xưa là ba quan.
Về tục múa mo, vùng Sơn Đồng có câu ca dao:
Sơn Đồng có tục múa mo,
Bánh dầy, bánh cuốn đem cho các làng.
Kể từ đêm cử hành múa mo, mồng 6 tháng hai trong vòng 3 tháng, nghĩa
là đến ngày mồng 6 tháng 5, trai gái trong làng được tự do luyến ái, và
cô gái nào thụ thai trong thời gian này đều được thưởng ba quan tiền và
những chàng trai cưới vợ trong dịp này đều khỏi phải nộp cheo. Trong
thời gian này việc luyến ái giữa trai gái không trái với lệ làng, và đạo đức
cũng ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng kể từ mồng 7 tháng 5 trở đi, cô gái nào
chưa chồng, không may thụ thai bị coi là chửa hoang, là phạm thuần
phong mỹ tục và bị làng bắt phạt vạ 10 quan tiền.
Trai gái đốt pháo ném nhau