Ngày hôm nay cũng như ngày mồng 6, gái làng lại có lệ tìm khách lạ tới
làng để chen.
Sau hết, buổi tối hôm rằm này, ở đình có cử hành một lễ rất là trọng thể.
Giữa cuộc lễ đèn đóm tắt hết, trai gái già trẻ được tự do chòng ghẹo hoặc
làm gì nhau cũng được!
Đèn tắt một lúc lâu lại được thắp lên, và cuộc lễ trọng thể được tiếp tục.
Sau buổi lễ, những cặp trai gái đã bằng lòng nhau, có thể dắt nhau tới
những nơi thanh vắng để vừa lòng nhau.
Theo lời các cụ xã Nga Hoàng, tuy chen là một tục kỳ dị, nhưng đó là ý
muốn của thần linh, không thể bỏ được, nếu bỏ trong làng sẽ gặp sự
không hay.
Trong kỳ hội hàng năm, trai gái đã có dịp đụng chạm và có cặp đã ân ái
với nhau, nên sau kỳ hội, các cô gái có quyền kết hôn với cậu trai làng
nào cô ưng, chàng trai không có quyền từ chối, trừ trường hợp bố mẹ cô
không bằng lòng cô phối ngẫu với chàng trai cô chịu! Những cô gái thụ
thai trong dịp hội làng, dù không chồng cũng không bị làng bắt vạ và
cũng không bị coi là đĩ thõa trái với đạo đức. Trái lại, nếu thụ thai ngoài
kỳ hội làng, tính từ tháng Ba âm lịch trở đi cho đến hết tháng Chạp, cô
gái bị coi là chửa hoang và phạm vào thuần phong mỹ tục, phải chịu vạ
với làng. Những cặp trai gái thành hôn với nhau sau kỳ hội được làng bớt
cho một nửa tiền cheo.
Chen lấn để cướp cầu
Làng Bạch Hạc, phủ Nghĩa Yên, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh
Phú), tức là đất Phong Châu ngày xưa, dân làng cũng có tục chen lẫn
nhau, nhưng không phải chen lấn để chen lấn, mà chen lấn để cướp
những quả cầu của làng. Dù sao trong sự chen lấn, dù là chen lấn đề
cướp những quả cầu thì cũng có sự đụng chạm, trái với nguyên tắc nam
nữ thụ thụ bất thân của Khổng giáo.