Làng Đông Quang thuộc quận Đống Đa (Hà Nội).
Hàng năm vào ngày thắng trận của nhà vua, dân làng Đông Quang mở
hội tại chùa làng, trước là để mừng Xuân, sau là để tụng kinh siêu độ cho
mười mấy vạn quân Thanh đã bỏ mình vì chiến trận, và đồng thời cũng
tụng kinh cầu nguyện cho các chiến sĩ Việt Nam đã bỏ mình trong trận
chiến thắng của dân tộc này.
Chùa Đông Quang không xa Hà Nội, trên con đường Hà Nội đi Hà
Đông, giáp ngay Hà Nội. Ai đã có dịp đi từ Thái Hà ấp tới các làng Mọc,
lẽ tất nhiên phải nhận thấy những mô đất nhấp nhô ở cánh đồng: Đó là
những di tích cuối cùng của quân nhà Thanh, sau khi thất trận đã được
vùi nông dưới nấm cỏ khâu, không kể những quân sĩ đã bỏ mình theo
dòng nước sông Hồng khi Tôn Sĩ Nghị chặt cầu qua Kinh Bắc.
Chút lịch sử thay thần tích
Hội chùa Đông Quang không phải là lễ kỷ niệm một vị thần linh, đây chỉ
là lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử, dưới đây là sơ lược:
Sau khi tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm đánh chiếm Bắc Hà, vua Lê
Chiêu Thống, bà Hoàng Thái Hậu và một số các bầy tôi tòng vong sang
cầu cứu vua Càn Long nhà Thanh. Năm Mậu Thân (1788), mượn cớ cứu
nhà Lê, vua Thanh Càn Long phái quân sang chiếm giữ Thăng Long, có
ý muốn thôn tính rước Nam.
Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị, Tổng Đốc Lưỡng Quảng chỉ huy, gồm
quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam.
Tôn Sĩ Nghị chia quân làm ba đạo kéo sang nước Nam, một đạo do lối
Tuyên Quang, một đạo do đường Cao Bằng và một đạo do ngả Lạng
Sơn. Dưới trướng Tôn Sĩ Nghị có đề đốc Hứa Thế Hanh, tri phủ Điền
châu Sầm Nghi Đống và một số các tướng lĩnh tài giỏi.
Đoàn quân này hùng hổ kéo sang Thăng Long như đoàn cọp dữ.