Trong ngày hội, có cuộc thi thuyền của dân làng rất vui và rất được các
khách trẩy hội thưởng thức.
Múa xòe
Xòe do các cô Mường ở phủ Nho Quan tới múa. Họ Đinh là một họ
trong dân Mường, và Hoa Lư cũng là một phần đất của xứ Mường. Vua
Đinh Tiên Hoàng rất được dân Mường tôn sùng, và họ hãnh diện với sự
tích nhà vua xuất phát từ đất Mường.
Các cô múa xòe được họ lựa chọn đưa tới. Những điệu múa rất nhịp
nhàng được các cô biểu diễn trước bàn thờ.
Sau cuộc múa này là tiệc uống rượu cần của ban tổ chức và chức sắc
trong làng.
Trên đây là sơ lược về các tục lệ tại hội Trường Yên.
Những tục lệ này không những làm vui cho ngày hội, còn nói lên phần
nào cái tinh thần ganh đua cố hữu của dân ta, ganh đua để tiến và để giữ
vững thuần phong mỹ tục.
Một câu chuyện tục truyền về vua Đinh Tiên Hoàng
Ở trên về phần thần tích chúng tôi mới nhắc tới vua Đinh Tiên Hoàng
qua lịch sử. Bên những dòng sử nghiêm trang, truyện vua Đinh Tiên
Hoàng thường được dân chúng kể lại qua một câu chuyện tục truyền, tuy
đầy vẻ hoang đường, nhưng cũng đầy thi vị. Câu chuyện tục truyền như
sau theo các ông Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư trong
ĐỊA DƯ CÁC TỈNH BẮC KỲ:
''Tiên Hoàng họ Đinh, tên là Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư, phủ Đại
Hoàng (bây giờ là phủ Yên Khánh)[1], là con ông Đinh Công Trứ.
''Tục truyền rằng: vợ ông Trứ một hôm tắm ở dưới suối bị một cơn rái cá
hiếp về có mang. Sau người ta bắt con rái cá ăn thịt, vứt xương đi, bà ấy
nhặt lấy, đem về cất đi.