Trong ngày có lễ rước kiệu của tám vua. Kiệu của Lý Chiêu Hoàng
không được rước, phải khiêng ra đặt ở trước đền thờ để bà nghênh đón
kiệu của tám vua. Đó là một sự trừng phạt đối với Lý Chiêu Hoàng, vì
Lý Chiêu Hoàng không những làm mất ngôi nhà Lý lại còn là đầu mối
cho nhà Trần giết con cháu nhà Lý.
Cuộc rước tám kiệu rất vui. Dân làng, những con trai từ 18 tuổi trở lên
được cắt cử khiêng kiệu. Đây là một điều vinh dự. Được cử khiêng kiệu
các trai làng phải sắm sửa quần áo rất tốn kém. Ngoài việc khiêng kiệu
cũng chính trai làng được đề cử vác cờ, vác tàn, vác tán cùng những đồ
thờ trong đám rước. Tám kiệu đi theo thứ tự của tám vua.
Đi đầu đám rước là cờ quạt ngũ sắc, kế đến phường bát âm rồi đến tám
kiệu.
Đám rước đông vui lắm. Dân làng Đình Bảng, dân các xã chung quanh,
có khi xa hơn nữa, có người từ Bắc Ninh, Thị Cầu, Đáp Cầu tới có người
từ Hà Nội về, đều nô nức đi xem đám rước lịch sử hàng năm này. Các cô
gái làng hôm đó, cũng như các cô gái làng bên trang điểm thật là đỏm
dáng. Các cô mong má hồng được lọt vào mắt xanh của những chàng trai
đi rước và đi xem rước.
Hội làng Đình Bảng mở liên tiếp trong ba ngày. Suốt trong thời gian này
cửa đền thờ tám vua cũng như cửa đền thờ Lý Chiêu Hoàng rộng mở để
khách thập phương tới lễ.
Sơ lược lịch sử và thần tích
Nhà Lý là một triều đại oanh liệt của Việt Nam, đã đánh Chiêm Thành,
bình Tống, sự nghiệp thật hết sức hiển hách. Thủy tổ nhà Lý là vua Lý
Thái Tổ, tên tục là Lý Công Uẩn vốn người làng Cổ Pháp.
Tục truyền rằng ông Lý Công Uẩn không có cha, mẹ là Phạm Thị đi chơi
chùa Tiêu Sơn, nằm mộng ân ái với thần nhân, rồi thụ thai sinh ra Lý
Công Uẩn. Khi Công Uẩn lên ba tuổi, bà đem cho sư ông trên chùa Cổ
Pháp là Lý Khánh Vân làm con nuôi, bởi vậy mới lấy họ Lý. Công Uẩn