Làng xóm Việt Nam
122
chia theo dòng họ. Họ to nhất là Đặng Trần thuộc giáp Đoài,
thứ đến họ Khổng, thuộc giáp Đông v.v...
Làng Thị cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc ninh (Hà Bắc) có 4
giáp phân chia theo khu vực trong làng: Giáp Đông ở phía Đông,
giáp Già ở phía nam, giáp Giữa ở phía Tây và giáp Bắc ở phía Bắc.
Tại những xã có thờ nhiều vị phúc thần tất cả những người
trong khu thuộc phạm vi một vị phúc thần thường họp nhau
thành một giáp.
Giáp không phải là một tập thể chính thức tự nhiên mà có
như thôn hoặc xóm, giáp phải do dân làng tạo nên bởi những
liên hệ chung của một số người. Muốn thành lập một giáp, phải
có phép quan trên, và khi giáp đã thành hình giáp, có địa vị ở
trong làng cũng như những giáp đã có trước.
Tìm hiểu nguồn gốc của giáp nhiều người cho rằng đây là
một tổ chức bắt chước Trung Hoa, nhưng xét cho kỹ, giáp cũng
như làng xã Việt nam, đã có vì tục lệ, vì tinh thần đoàn kết và
tương trợ giữa những người có cùng một liên hệ về một phương
diện gì, không phải vì bắt chước Trung Hoa mà có.
Trung Hoa đã đành cũng có những giáp do dân tổ chức ra,
nhưng giáp của người Trung Hoa không giống giáp của người
Việt nam tuy cùng một danh xưng.
Ở Trung hoa giáp là một tập thể tổ chức vì mục đích an ninh
địa phương. Chữ giáp tiêu biểu cho tất cả những cái gì có tính
chất để che chở: mai rùa, móng tay, vẩy cá sấu, giáp trụ, và
nói rộng là quân đội.
(1)
Mỗi giáp ở Trung Hoa gồm mười gia đình và được coi là tổ
chức hữu hiệu nhất để bảo vệ an ninh cho dân chúng, nhất là
chống giặc cướp.
1. Nguyễn Hữu Khang. - Sách đã dẫn.
Thực hiện ebook: www.hocthuatphuongdong.vn